Sức mạnh của khối đại đoàn kết là nguồn lực quan trọng

08/07/2021 06:10 GMT+7

Trong 100 ngày đầu tiên trên cương vị mới đã nổi lên hình ảnh một Chủ tịch n ước năng nổ thực hiện lời hứa 'tận tâm, tận lực' với trọng trách được giao.

Ngày 5.4, 100% đại biểu tham gia biểu quyết đồng ý thông qua Nghị quyết về việc bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021). Lần đầu tiên kể từ năm 1945, một Thủ tướng đương nhiệm được bầu làm Chủ tịch nước.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045 “không phải là món quà có sẵn”. Trước Quốc hội, ông hứa sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, tận tâm, tận lực, trách nhiệm, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định... để hoàn thành trọng trách được giao. Trong 100 ngày đầu tiên trên cương vị mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho thấy quyết tâm và nỗ lực thực hiện lời hứa.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quyên góp ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 cuối tháng 5

ẢNH: TTXViệt Nam

Năng động trong đối ngoại

Một trong những hoạt động đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới là hoạt động đối ngoại - nhiệm vụ được hiến định của Chủ tịch nước. Ngày 19.4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về tăng cường hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khu vực để thúc đẩy đối thoại trong phòng ngừa xung đột. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước Việt Nam chủ trì một phiên họp của Hội đồng Bảo an, và là hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới. Phiên thảo luận này cũng là một trong những sáng kiến mà Việt Nam thúc đẩy.
Hội nghị dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua được Tuyên bố Chủ tịch của Hội đồng Bảo an do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định sự gắn kết giữa Liên Hiệp Quốc/Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột với xây dựng lòng tin và đối thoại là những thành tố thiết yếu. Tuyên bố kêu gọi bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ của các nỗ lực hợp tác; kêu gọi các tổ chức khu vực phát huy vai trò hỗ trợ, đưa ra khuyến nghị về ngăn ngừa, giải quyết xung đột cho các quốc gia thành viên phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các thỏa thuận liên quan; đề nghị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và đối thoại.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động đối ngoại thay mặt nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vẫn được tiến hành đều đặn. Ông đã tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao - một diễn đàn kinh tế quốc tế mang tính phi chính phủ và phi lợi nhuận dành cho các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu của các nước châu Á và các châu lục khác; dự và phát biểu về chủ đề “Các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu” tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu... Bên cạnh đó là hàng loạt hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo các quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Lào...

Xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam 

Trong nhiệm vụ đối nội, cũng được chứng kiến sự tận lực của người đứng đầu nhà nước trong 100 ngày đầu tiên. Nửa tháng sau khi tuyên thệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo T.Ư về Cải cách tư pháp. Đây là phiên họp đầu tiên kể từ cuối năm 2018, Chủ tịch nước - Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về Cải cách tư pháp chủ trì hội nghị của Ban Chỉ đạo. Tiếp đó, ngày 9.6, trong vai trò Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về Cải cách tư pháp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp với các cơ quan liên quan về kế hoạch triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” vào đầu tháng 7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo, khẳng định Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Ông nhấn mạnh cần xây dựng một Đề án có tính chiến lược, thiết thực đối với người dân và cơ quan nhà nước, thực sự là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Khẳng định xây dựng đề án nhằm phụng sự nhân dân tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chủ tịch nước lưu ý việc xây dựng đề án cần có phương pháp tiếp cận khoa học, tầm nhìn dài hạn đến năm 2045 và đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trả lời báo chí khi tham gia bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do dân, vì dân đã được Hiến pháp quy định và chúng ta phải tập trung xây dựng một chiến lược quan trọng để thực hiện nhà nước pháp quyền ở nước ta. Chính vì vậy tới đây, T.Ư sẽ có nghị quyết để triển khai vấn đề chiến lược này để mọi quyền lợi, quyền lực của chính quyền các cấp đều xuất phát từ nhân dân, phục vụ người dân. Sắp tới đây các cơ quan nhà nước sẽ ban hành những chương trình cụ thể về cải cách hành chính minh bạch, công khai; xây dựng thể chế pháp luật cụ thể hóa việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”.

Phát huy khối đại đoàn kết dân tộc

Cuối tháng 5.2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ phát động đợt cao điểm vận động nhân dân cả nước ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong bài phát biểu tại buổi lễ, nhấn mạnh lại tinh thần “chống dịch như chống giặc” được ông nhiều lần tuyên bố khi còn giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ dồn mọi nguồn lực, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong phòng chống đại dịch Covid-19. Ông cũng nhấn mạnh: “Mục tiêu đảm bảo đủ vắc xin, triển khai nhanh, hiệu quả và an toàn kế hoạch tiêm vắc xin ở tại thời điểm này có ý nghĩa chiến lược, quyết định rất lớn đến thành quả chống dịch, đưa xã hội trở lại nhịp sống bình thường cũng như thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế cho năm 2021 và những năm tiếp theo”.
“Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Chúng ta sẽ cùng nhau làm tất cả để Việt Nam có thể vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển, đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân”, Chủ tịch nước nói.
Cũng với tinh thần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, trong 100 ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, làm việc, viết thư động viên tới rất nhiều đối tượng, tầng lớp trong xã hội. Nhân ngày truyền thống Thi đua yêu nước 11.6, ông gửi 5.000 lá cờ để trao tặng ngư dân các vùng biển đảo trên cả nước…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.