Nhân vật nữ linh thiêng của văn hóa Việt
PGS-TS Phạm Xuân Thạch (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) mở đầu bài trình bày tại hội thảo quốc tế “Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á” (diễn ra ngày 5 - 6.9 tại Hà Nội) bằng hình ảnh hai vở diễn của Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Chèo VN. Hai nhà hát này đều đưa giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. “Sự kiện văn hóa đó đánh dấu sự công nhận về mặt thể chế về các tín ngưỡng thờ nữ thần bản địa, liên quan đến việc công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu ở quốc gia và quốc tế”, ông Thạch nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thạch, việc dự báo ảnh hưởng này của đạo Mẫu cũng như sự trở lại của tính thiêng và tính nữ đã được các nhà văn cảm nhận rất sớm từ những năm 1980 - 1990. Chẳng hạn, nhà văn Bảo Ninh và tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã tiên báo cho sự trở lại của tính thiêng và tính nữ. Mọi tàn bạo của chiến tranh và đời sống không thể chà đạp và hủy diệt vẻ đẹp của nhân vật chính trong tác phẩm. “Có thể nói đó là một người nữ mang những đặc tính của nữ thần với cái đẹp bất tử, khả năng tiên tri bảo hộ và cứu rỗi con người”, ông nói.
|
Trong khi đó, PGS-TS Trần Thị An lại nói đến hình tượng Quan Âm đã được địa phương hóa tại VN như thế nào. Bà cho biết tại chùa Hương Tích (H.Can Lộc, Hà Tĩnh) thờ bà Chúa Ba có tượng Quan Âm Hương Tích riêng của chùa. Trong thực hành tín ngưỡng, nhiều người đến đây cầu con, đặc biệt là con trai; cũng có người cầu xin thứ khác. “Quan Âm ở đây đan xen giữa Quan Âm Tống tử (cầu con), Quan Âm Tọa sơn (cứu khổ cứu nạn), Quan Âm Dược sư (chữa bệnh) và Bồ tát Quan Âm nói chung (việc thực hành nghi lễ của các tăng đoàn) với xu hướng Mẫu khá rõ”, bà nói.
Sức mạnh vượt ranh giới của sự từ bi
GS Yu Chun Fang (ĐH Columbia, Mỹ) cho biết những câu chuyện linh ứng về Quan Âm rất nhiều. Những bộ kinh mà Trung Quốc tạo ra đều có những câu chuyện liên quan đến linh ứng. Do đó, Quan Âm không phải chỉ nằm trong kinh sách mà đã như con người thật. “Bộ Cao Vương Quan thế âm kinh, nhân vật chính là Tôn Kính Đức có thờ tượng Quan Âm. Khi ông bị hãm hại và bị tử hình, ông đã đọc ngàn lần câu mà Quan Âm nói với mình. Cả 3 lần đọc thì 3 lần lưỡi đao của đao phủ bị nứt. Ông được tha. Trở về nhà ông thấy tượng có 3 vết dao, giống như Quan Âm đã chịu chém thay ông. Người thờ Quan Âm cũng có thể không đến chùa mà thờ ở nhà. Trong bảo tàng thậm chí có tượng Quan Âm chỉ cao 2 cm. Chứng tỏ họ coi đó là bùa hộ mệnh”, bà Yu Chun Fang nói.
|
Cũng theo GS Yu Chun Fang, lúc đầu Quan Âm ở Trung Quốc là nam giới hoặc không phân biệt rõ giới tính. Nhưng vào thế kỷ 10 có thay đổi lớn. “Các giáo sĩ Thiên Chúa đã gọi Quan Âm là Nữ thần từ bi. Điều này cho thấy họ thấy Quan Âm và hình ảnh Thánh nữ có tương đồng”, bà nói. Trong khi đó, các quốc gia như Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á, Quan Âm vẫn là một hoàng tử khôi ngô tuấn tú. Bà Yu Chun Fang cũng lưu ý việc Quan Âm ở Trung Quốc không tượng trưng cho hoàng quyền. Trong khi ở Sri Lanka, Indonesia hay một số nước khác đều có dấu tích coi hoàng đế là hóa thân của Quan Âm.
Theo GS Lâm Tòng Nhất, tín ngưỡng thờ Quan Âm có nhiều lớp ý nghĩa. “Trung tâm chính của tín ngưỡng này chính là sự từ bi. Nội hàm quan trọng nhất của từ bi là hai điều: vượt qua khỏi ranh giới của bản thân và đồng cảm chia sẻ”, ông nói. Chính vì thế, theo GS Lâm Tòng Nhất, trong xã hội hiện đại ngày nay khi tập thể, con người, quốc gia có những bức tường ngăn cách ngày càng cao thì chính là lúc cần đến tinh thần vượt ranh giới của bản thân và chia sẻ này trong sự từ bi của tín ngưỡng Quan Âm. “Sự bao dung mà tín ngưỡng Quan Âm tạo ra chính là điều quan trọng trong đời sống ngày nay”, ông nói. Cũng theo ông, tín ngưỡng thờ Quan Âm là sản phẩm chung của các quốc gia châu Á, giúp đặt nền móng cho nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn liên quốc gia.
PGS-TS Trang Thanh Hiền cho biết trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc VN, tượng Quan Âm chiếm số lượng lớn. Thông thường mỗi chùa có 2 - 4 pho tượng Quan Âm. Chùa nhiều tượng, lượng tượng Quan Âm còn nhiều hơn. Một số tuân theo khuôn mẫu tạo tượng Phật nói chung như tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, một số khác như Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Tọa sơn lại tạo hình rất tự do và tạo sự đa dạng cho tượng Quan Âm VN. “Một phần khác biệt đó bắt nguồn từ ảnh hưởng của tín ngưỡng bản địa của người Việt - tín ngưỡng thờ Mẫu ở VN. Nó giúp kiến tạo hình tượng khác biệt trong tạo hình và vị trí đặt tượng Quan Âm trong chùa Việt”, bà Hiền nói.
|
Bình luận (0)