Tác giả nhí viết sách

Ngọc An
Ngọc An
07/07/2021 06:05 GMT+7

Cao Việt Quỳnh (13 tuổi) viết tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng và Cao Khải An (12 tuổi) nhận giải thưởng Khát vọng Dế mèn vào năm ngoái là 2 tác giả nhí hiếm hoi được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.

Cao Việt Quỳnh vừa ra mắt tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng Người sao chổi: Cuộc nổi dậy của robot, tập thứ 2 trong loạt truyện Người sao chổi. Trong khi đó, tập truyện Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm của Cao Khải An cũng vừa được xuất bản đầu năm nay.

Không có sự “sắp đặt” của người lớn

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Dế mèn 2021, cho hay ông đã ít nhiều nhìn thấy ở Cao Khải An với Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm một tài năng thiên bẩm, sáng tạo được những thứ vô cùng giản dị, hồn nhiên, mà đến cả những tác giả chuyên nghiệp cũng phải ngả mũ. Ông Lê Văn Thành (NXB Kim Đồng), người tiếp nhận Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm đã rất ấn tượng khi đọc bản thảo tập truyện của Cao Khải An, nhìn nhận: “Văn phong chững chạc, câu chuyện hài hước, ngộ nghĩnh, có cả sự quai quái nhưng vẫn đầy hồn nhiên, tự nhiên của trẻ thơ, để tin rằng không có sự “nhúng tay” hay “sắp đặt” của người lớn”.
Cao Khải An là con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, còn Cao Việt Quỳnh là con trai của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang. Tuy nhiên, hai cậu bé không bị ảnh hưởng con đường văn chương của mẹ. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư còn bất ngờ khi con trai viết truyện bởi cậu bé vốn không thích đọc sách. Chỉ đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phải ở nhà, Cao Khải An mới đọc sách của mẹ và bắt đầu viết truyện. Còn nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang không phải là người khuyến khích con trai viết lách. Viết truyện hoàn toàn là đam mê của Cao Việt Quỳnh. Nhiều người còn nhận xét phong cách văn chương của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang và con trai Cao Việt Quỳnh khác xa nhau.
Khi tập 2 trong loạt truyện Người sao chổi vừa ra mắt, Cao Việt Quỳnh đã có sẵn bản thảo của tập truyện thứ 3. “Quỳnh có giọng điệu riêng, hài hước, tích cực, tươi sáng. Quỳnh tạo nên được cả “vũ trụ” riêng của mình, trong đó nhân vật vô cùng đa dạng từ chính diện, phản diện, nửa chính nửa tà, cho đến nhân vật lật mặt ở phút cuối, đưa vào những yếu tố VN. Không chỉ vậy, Quỳnh còn có hiểu biết về khoa học, nên truyện có sự pha trộn thú vị giữa kỳ ảo và khoa học viễn tưởng. Đó cũng là điều đặc biệt so với ngay cả những cây viết fantasy (văn học kỳ ảo) người lớn”, biên tập viên Sông Thao (Công ty ChiBooks, đơn vị xuất bản cuốn sách) nhìn nhận.
Không chỉ là niềm đam mê viết truyện ở một cậu bé, Cao Việt Quỳnh còn cho thấy sự chuyên nghiệp trong sáng tác dù còn ở lứa tuổi nhỏ. “Việc một cậu bé 13 tuổi đã hoàn thành tập 3 tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng bộ Người sao chổi và đang bắt tay viết tác phẩm mới cho thấy một nội lực sáng tác đáng kinh ngạc”, dịch giả Nguyễn Lệ Chi (Giám đốc Công ty ChiBooks) nói và nhìn nhận: “Việc tác giả liên tục hoàn thành các tác phẩm của mình đã cho thấy một sự chuyên nghiệp trong sáng tác và sức bền cùng niềm đam mê vô bờ đối với việc sáng tác văn chương nói chung và với dòng sách phiêu lưu giả tưởng nói riêng”.

Tác giả nhí Cao Việt Quỳnh và tác phẩm của mình

Ảnh: TL

Không dễ có “thần đồng” !

Trước Cao Khải An, NXB Kim Đồng từng xuất bản những tác phẩm của các tác giả nhí như tập thơ của Đặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An. Năm ngoái, Nguyễn Khang Thịnh (13 tuổi) với tác phẩm Nhật ký của nhóm Alvin siêu quậy nhận giải Sách hay cho hạng mục Sách thiếu nhi do Viện Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc sách hay và sáng kiến OpenEdu tổ chức. Nhiều năm trước, tiểu thuyết giả tưởng Cuộc chiến với hành tinh Fantom của tác giả Nguyễn Bình (10 tuổi), tập truyện và tản văn Thư gửi người thiên cổ của Nguyễn Hoàng Trâm Anh (12 tuổi), tập truyện Nụ cười của thiên thần của Đan Thi (12 tuổi), tập thơ Hát cùng những vì sao, Đường xa con hát của tác giả nhí Đỗ Nhật Nam… đã ra mắt độc giả. “Điều cần nhất khi viết cho thiếu nhi là bắt được “sóng”, hiểu tâm lý các em. Mà không ai hiểu các em bằng chính các em. Vì vậy, Cao Khải An hay những em nhỏ sáng tác chắc chắn luôn là lợi thế hơn trong việc hiểu tâm lý độc giả của lứa tuổi mình. Trong khi người lớn viết cho thiếu nhi phải gọi cô bé/cậu bé trong chính mình trở về, rồi còn rào cản khoảng cách thế hệ, nên có thể dẫn đến… gọi nhầm. Tất nhiên, từ việc hiểu tâm lý đến thành công còn là tài năng và may mắn nữa”, ông Lê Văn Thành bày tỏ.
Biên tập viên Sông Thao nhìn nhận trong mảng văn học kỳ ảo hiện nay, Cao Việt Quỳnh gần như là tác giả nhỏ tuổi duy nhất. “Quỳnh là một hiện tượng. Em đã bước vào “lãnh địa” mà nhiều cây viết người lớn bị mắc ở đây”, bà Thao nhận xét và cho rằng với những tác giả nhí có tài năng đặc biệt, việc bồi dưỡng là cần thiết và nên làm. Trước tiên là sự khuyến khích, ủng hộ về tinh thần; tiếp đến là được tạo không gian sống phù hợp; được tham gia các hoạt động vui chơi cùng gia đình, bạn bè như picnic, dã ngoại, đi thăm bảo tàng… để tăng khả năng quan sát sự vật, sự việc.
Theo dịch giả Nguyễn Lệ Chi, những lớp đào tạo viết văn trẻ phù hợp với lứa tuổi các em cũng rất bổ ích. Bên cạnh đó, theo bà Chi, việc sáng tác với các tác giả nhí nên được nhìn nhận một cách thoải mái, tự nhiên. “Gia đình, thầy cô cổ vũ nhiệt tình quá vô hình trung có thể tạo thành sức ép hoặc áp lực cho tác giả nhí”, bà Chi bày tỏ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá thêm, chưa thấy ở các nhà văn nhí dự giải Dế mèn năm nay những điều như đã thấy ở Cao Khải An vào năm trước. Theo biên tập viên của một đơn vị xuất bản, hiện nay có những bạn nhỏ đam mê viết lách và được gia đình ủng hộ. “Tuy nhiên, có em lại chọn đề tài vượt quá tầm của mình, trong khi có nhiều bậc cha mẹ lại ảo tưởng về khả năng của con, sẵn sàng bỏ tiền cho con làm sách. Rõ ràng, những em nhỏ đam mê viết lách được rèn giũa, chuẩn bị kỹ càng thì có thể trở thành cây viết tốt trong tương lai. Còn nếu gia đình tung hô quá đà có khi sẽ có tác dụng ngược, làm đứa trẻ thui chột sớm tài năng của mình”, biên tập viên này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.