Tái bản Hồi ký Trần Huy Liệu

11/08/2020 06:17 GMT+7

Hồi ký Trần Huy Liệu (ảnh) do Phạm Như Thơm sưu tầm, tuyển chọn và chỉnh lý, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội mới tái bản và ra mắt bạn đọc.

Sinh thời, nhà sử học Trần Huy Liệu (1901 - 1969) không công bố hồi ký cá nhân. Ông chỉ cho xuất bản một vài cuốn hồi ký mỏng về Đảng Thanh niên, phong trào Đông Dương đại hội, ngục Sơn La… Đó là những sự kiện lịch sử cụ thể mà cá nhân Trần Huy Liệu là nhân chứng lịch sử.
Trong cuộc đời gần 70 năm của mình, Trần Huy Liệu vừa là nhân chứng lịch sử vừa là người làm nên lịch sử ở nhiều sự kiện trọng đại mà tiêu biểu nhất phải kể đến Cách mạng Tháng 8.1945; ở đó, ông là Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ vào Huế tước ấn kiếm của vua Bảo Đại thoái vị (30.8.1945).
Tại Quốc dân đại hội Tân Trào (8.1945), Trần Huy Liệu được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng - làm việc như Chính phủ lâm thời - do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Khi công bố danh sách Chính phủ lâm thời (28.8.1945), Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền. Từ đây, ông giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ và Mặt trận: Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc, Chủ tịch Ủy ban vận động Đời sống mới, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Nhưng với Trần Huy Liệu, sự nghiệp mà ông đắc ý nhất là nghiên cứu sử học. Trong hơn 20 năm cuối đời, từ năm 1953 khi làm Trưởng ban Nghiên cứu văn sử địa T.Ư (tiền thân của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam ngày nay) rồi Phó ban Nghiên cứu lịch sử Đảng T.Ư, Viện trưởng Viện Sử học, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ nhiệm kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (Viện Sử học)... Trần Huy Liệu đã dành nhiều tâm huyết với sử học Việt Nam. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên về khoa học công nghệ với cụm công trình nghiên cứu lịch sử.
Lần đầu ra mắt bạn đọc vào năm 1991, Hồi ký Trần Huy Liệu đã giúp bạn đọc phổ thông cùng các nhà nghiên cứu lịch sử có thêm nhiều tư liệu quý báu, khi ông không chỉ nói về cá nhân mình mà còn nhấn đậm vào bối cảnh lịch sử Việt Nam ở những thời khắc bản lề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.