Cục Thuế TP.HCM vừa chuyển hồ sơ vi phạm thuế của Công ty CP Tập đoàn Asanzo (gọi tắt Tập đoàn Asanzo) sang Công an TP.HCM do doanh nghiệp này có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn…
Sau khi cơ quan thuế thanh tra phát hiện Tập đoàn Asanzo bằng các chiêu thức trốn thuế hơn 40,57 tỉ đồng, phạt vi phạm hành chính về thuế, tiền chậm nộp hơn 27,98 tỉ dồng, tổng cộng số thuế truy thu và phạt hơn 68,57 tỉ đồng. Cục Thuế TP.HCM đã có quyết định chuyển hồ sơ vi phạm của tập đoàn này sang Công an TP.HCM khi thấy có những dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tập đoàn Asanzo đã dùng chiêu trốn thuế như để ngoài sổ kế toán, không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn… Cụ thể, Công ty Trần Thoàn xuất linh kiện cho Tập đoàn Asanzo và tập đoàn giao lại cho Công ty VTB gia công, lắp ráp một phần và trực tiếp gia công ra thành phẩm là mặt hàng điều hòa nhiệt độ. Sau đó, các sản phẩm này xuất bán cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo, Tập đoàn Asanzo không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán khoản thu liên quan đến doanh thu giao hàng cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo và Công ty Trần Thoàn xuất hóa đơn trực tiếp cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo mặt hàng điều hòa nhiệt độ. Với cách xuất hóa đơn này, Tập đoàn Asanzo đã không khai thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Qua xác minh của cơ quan thuế, Tập đoàn Asanzo là cơ sở sản xuất mặt hàng điều hòa nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống (thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB) có dán tem Asanzo và bao bì in nhãn hiệu Asanzo (mua linh kiện từ Công ty Trần Thoàn, Công ty An Thiên, Công ty Việt Tài về thuê bên ngoài gia công một phần và phần còn lại tự sản xuất, lắp ráp nhưng không ghi chép trong sổ kế toán). Tập đoàn Asanzo đã sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn có nội dung ghi không có thực, hóa đơn ghi mặt hàng điều hòa nhiệt độ nhưng nội dung thực là linh kiện điều hòa nhiệt độ) để hạch toán đầu vào là thành phẩm và khai thuế là hoạt động thương mại, mà không khai thuế TTĐB. Tổng số thuế trốn gồm thuế TTĐB hơn 9,7 tỉ đồng, chưa kể số thuế GTGT hàng tỉ đồng.
Dòng tiền đi lòng vòng vào túi cá nhân
Tính đến ngày 30.6, Tập đoàn Asanzo mua của Công ty Trần Thoàn hơn 71,2 tỉ đồng, số tiền chưa thanh toán 47,4 tỉ đồng. Sau khi được thanh toán, Công ty Trần Thoàn sẽ chuyển tiền thanh toán cho các đối tác nước ngoài, các công ty trong nước nằm trong danh sách không còn hoạt động bỏ địa chỉ kinh doanh, chuyển cho Công ty CP đầu tư Asanzo (thuộc hệ thống Tập đoàn Asanzo) và Công ty CP đầu tư Asanzo hạch toán vay tiền của Công ty Trần Thoàn hơn 34,8 tỉ đồng. Hóa đơn Công ty Trần Thoàn xuất ra có giá trị cao hơn giá giao dịch thể hiện qua việc Công ty này chuyển ngược lại tiền vào tài khoản Công ty CP đầu tư Asanzo và cá nhân bà Hoàng Thị Thu Trang (người lao động tại tập đoàn Asanzo) để rút tiền ra. Tương tự, cũng chiêu thức này áp dụng cho 16 công ty khác như Công ty TNHH sản xuất Thái Bình Dương, Công ty TNHH hợp tác đầu tư Thạch Sơn, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hưng Thịnh, Công ty TNHH sản xuất PT TMDV Nhật Nam, Công ty TNHH ĐTTM XNK Gia Bảo, Công ty TNHH XNK Khải Phong Sài Gòn…
Các công ty này là đơn vị nhập hàng hóa cho Tập đoàn Asanzo có dấu hiệu thành lập với mục đích trốn thuế thông qua đại diện pháp luật là người lao động tại Tập đoàn. Hóa đơn của các công ty có dấu hiệu ghi cao hon giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế, thể hiện thông qua việc khi Tập đoàn chuyển tiền cho công ty này thì một số cá nhân đang làm việc của Tập đoàn Asanzo thực hiện rút tiền ra từ các công ty hơn 507 tỉ đồng, trong đó cá nhân bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo) hơn 87 tỉ đồng, bà Nguyễn Kim Thanh Nguyệt (người lao động của Công ty CP đầu tư Asanzo) hơn 336 tỉ đồng... Hiện nay 17 công ty trên đã chấm dứt hoạt động và theo Cục Thuế TP.HCM cần làm rõ các cá nhân rút tiền mặt từ tài khoản các công ty trên.
Bình luận (0)