Bộ GTVT xã hội hoá đầu tư sân bay ‘nửa vời’, các bộ ngành phản đối

Mai Hà
Mai Hà
07/01/2020 10:42 GMT+7

Bộ Tư pháp, KH-ĐT, Tài chính , Quốc phòng... đều đặt dấu hỏi về cơ sở pháp lý trong đề xuất của Bộ GTVT giao cho ACV đầu tư toàn bộ 22 cảng hàng không (gồm Long Thành), chỉ xã hội hoá đầu tư 3 sân bay nhỏ.

Góp ý cho báo cáo định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không của Bộ GTVT, Bộ Tư pháp cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước để đầu tư xây dựng, nâng cấp các sân bây còn hạn chế, việc thu hút nguồn lực các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển hạ tầng, khai thác và vận hành cảng hàng không là cần thiết, phù hợp với chủ trương chung trong Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị quyết 13-NQ/TƯ của Ban chấp hành TƯ Đảng...
Về đề xuất của Bộ GTVT chỉ xã hội hoá đầu tư toàn cảng với 3 sân bay (Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị), với 22 sân bay hiện do Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) quản lý, khai thác và sân bay Long Thành thì không thực hiện xã hội hoá toàn cảng, Bộ Tư pháp đề nghị cần đánh giá tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV với 22 sân bay.
Đây sẽ là cơ sở xem xét, quyết định việc thực hiện xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không hay tiếp tục giao ACV quản lý, chỉ xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình.
Dẫn lại nghị quyết 13, Bộ Tư pháp cho rằng, với các cảng hàng không không phải cảng quan trọng, thiết yếu mà nhà nước cần đầu tư, sở hữu và ACV quản lý không hiệu quả, trong khi các nhà đầu tư tư nhân quan tâm, thì nên mở rộng thực hiện xã hội hoá toàn bộ.

Sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư, xây dựng và quản lý Ảnh N.L

Giao ACV chủ trì xã hội hoá là không phù hợp

Đặc biệt, Bộ Tư pháp cũng đề nghị xem lại kiến nghị “Việc tổ chức thực hiện xã hội hoá đầu tư những hạng mục này do ACV chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay được Bộ GTVT phê duyệt và quy trình lựa chọn nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành” trong báo cáo của Bộ GTVT.
Theo Bộ Tư pháp, cần làm rõ cơ sở pháp lý của kiến nghị này vì ACV chỉ là một công ty cổ phần, không phải công ty nhà nước để thay mặt nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp sân bay. Việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch và hiệu quả.
Trong khi đó, Bộ KH-ĐT cho rằng, những ví dụ xã hội hoá đầu tư cảng hàng không trên thế giới Bộ GTVT nêu ra không đầy đủ. “Việc đề ra định hướng xã hội hoá như báo cáo của Bộ GTVT chưa đảm bảo cơ sở lý luận và thực tiễn”, Bộ KH-ĐT nêu.
Đặc biệt, Bộ KH-ĐT đề nghị không giới hạn danh mục cảng hàng không có thể kêu gọi xã hội hoá. Việc xác định một cảng hàng không, công trình kết cấu hạ tầng cảng kêu gọi xã hội hoá đầu tư cần dựa trên nhu cầu theo quy hoạch được duyệt và khả năng cân đối nguồn vốn.
Tương tự Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT cho rằng, ACV chỉ là doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối, không phải cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc giao ACV chủ trì tổ chức thực hiện xã hội hoá đầu tư những hạng mục công trình kết cấu hạ tầng cảng không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không là chưa phù hợp.

Không thể chỉ xã hội hoá 3 sân bay

Cùng quan điểm này, Bộ Tài chính cho rằng, ACV hiện là công ty cổ phần nên đã gặp nhiều vướng mắc trong quá trình quản lý sân bay (đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục kết cấu hạ tầng). Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu định hướng xã hội hoá đầu tư theo hướng: với hạng mục công trình đường lăn, đường cất hạ cánh do nhà nước đầu tư, với nhà ga và các công trình phụ trợ thì thực hiện xã hội hoá, doanh nghiệp tư nhân làm.
Đồng thời, để đảm bảo công khai minh bạch, Bộ GTVT cần làm rõ vì sao lại đề xuất giao "nhiều quyền" cho ACV (đầu tư 22 cảng và chủ trì tổ chức xã hội hoá các hạng mục không thiết yếu tại 22 cảng này).
Trên cơ sở đó, cần bổ sung các nghiên cứu, đánh giá toàn diện và xây dựng các tiêu chuẩn hạng mục công trình cảng hàng không có khả năng xã hội hoá thu hút được các nguồn lực của tư nhân, tổ chức trong và ngoài nước có thể tham gia thực hiện. Phân loại, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với từng cảng để công bố danh mục cảng kêu gọi đầu tư.
Bộ Quốc phòng góp ý cho rằng, ngoài việc xã hội hoá đầu tư các cảng hàng không mới như Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu, cần nghiên cứu bổ sung danh mục kêu gọi xã hội hoá đầu tư các cảng hàng không hiện hữu mà ACV khai thác chưa hiệu quả và có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bộ Quốc phòng cũng đề nghị Bộ GTVT xây dựng đề án cụ thể với từng cảng hàng không, trong đó việc xã hội hoá phải đáp ứng được nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Trong văn bản góp ý, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét lại đề xuất chỉ kêu gọi xã hội hoá đầu tư toàn cảng với 3 cảng hàng không và chỉ kêu gọi xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình không thiết yếu trong 23 cảng hàng không còn lại.
Các hãng hàng không muốn tham gia đầu tư sân bay
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Vietnam Airlines ủng hộ chủ trương xã hội hoá hạ tầng cảng hàng không và cho biết sẵn sàng tham gia, phối hợp cùng ACV đầu tư xây dựng cảng hàng không, đặc biệt các hạng mục mà doanh nghiệp này có kinh nghiệm như hangar kỹ thuật, kho xăng dầu, khu vực phục vụ hành khách, kho hàng hoá, sân đỗ..
Cũng theo Vietnam Airlines, thực tế tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, hãng hàng không quốc gia có sự tham gia sâu trong đầu tư xây dựng cảng hàng không, ở một số nước thậm chí còn được bố trí nhà ga, sân bay riêng phục vụ hoạt động.
Trong khi đó, Vietjet đề xuất đẩy mạnh phương thức xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không, cho phép xã hội hoá một phần hoặc toàn phần trên toàn bộ mạng cảng hàng không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.