"Cố thủ" trong nội đô
Tương tự, nhà máy của Công ty cổ phần giấy Xuân Đức (P.Phước Long, Q.9, TP.HCM) cũng liên tục bị người dân địa phương khiếu nại về tình trạng xả thải, gây tiếng ồn suốt ngày đêm. Đỉnh điểm vào cuối tháng 5 vừa qua, các hộ dân nơi đây đã treo băng rôn phản đối và yêu cầu nhà máy phải có giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm. Thậm chí, nhiều người đã phải bán nhà đi nơi khác. Sau nhiều lần đối thoại với sự có mặt của chính quyền địa phương, trong văn bản gửi UBND Q.9 cuối tháng 7 qua, Công ty cổ phần giấy Xuân Đức cho biết đã thực hiện sửa chữa, làm vách ngăn… để giảm thiểu khí thải, bụi và tiếng ồn. Tuy nhiên, công ty vẫn đề nghị được hoạt động sản xuất 24/24 từ nay đến hết quý 1/2020 để cung cấp sản phẩm cho kịp tiến độ các hợp đồng đã ký. Trong khi, sản xuất giấy là một trong những ngành nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng thuộc đối tượng phải di dời khỏi khu dân cư ngay từ khi Quyết định 64/2003 của Chính phủ ban hành.
Đáng nói là các nhà máy trên đều nằm trong kế hoạch hoặc phải di dời do không phù hợp quy hoạch, hoặc di dời do gây ô nhiễm môi trường dân cư từ lâu. UBND Q.9 đã nhiều lần kiến nghị Sở TN-MT TP.HCM đưa Nhà máy giấy Xuân Đức vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo quy định và di dời sớm. Còn UBND Q.Gò Vấp lại xin gia hạn cho Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn đến hết năm 2019 cho dù nhà máy này thuộc danh mục các cơ sở phải di dời và phải hoàn thành di dời từ quý 1/2018.
Đó là vài dự án lớn, còn các cơ sở sản xuất thì nhiều vô kể. Ngay khu vực P.Đông Hưng Thuận, Q.12, từ 42 cơ sở sản xuất may mặc, sắt thép, dệt nhuộm… gây ô nhiễm môi trường trầm trọng 4 - 5 năm trước, đến nay vẫn còn 4 cơ sở “bám trụ” là cơ sở Phạm Văn Dương, cơ sở Phạm Văn Long, cơ sở Việt Phát và Công ty TNHH Thiên Phú Thịnh. Các quận 5, 6, 11… cũng có khá nhiều cơ sở sang chiết, kinh doanh hóa chất tồn tại khá lâu trong khu dân cư. Chiều 5.9, trên đường Trang Tử (Q.5), theo quan sát của chúng tôi, có khá nhiều cơ sở kinh doanh bao bì hàng hóa. Bên kia đường Trần Hưng Đạo là khu vực chợ vải Soái Kình Lâm cũng có nhiều cửa hàng bán sỉ chất kín vải từ trong ra ngoài. Đây là khu vực vừa kinh doanh, sản xuất có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn rất cao, theo nhận định của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ TP.HCM.
Ô nhiễm phát tán
Cháy xưởng thạch cao tại khu Cá sấu hoa cà
Tin, ảnh: Trần Tiến
|
TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) nói thẳng, còn sản xuất là còn ô nhiễm, từ ô nhiễm không khí đến tiếng ồn và đặc biệt là các loại hóa chất sử dụng trong sản xuất sẽ phát tán nhanh cho cộng đồng, đến nguồn nước. Hầu hết các cơ sở sản xuất gắn với hộ gia đình, đặc biệt ở những địa bàn như quận 5, 11 có rất nhiều cơ sở làm nghề truyền thống theo kiểu cha truyền con nối nên không sẵn sàng đi ra xa hay vào các khu công nghiệp tập trung. "Nhưng việc di dời các cơ sở sản xuất vật liệu độc hại, dễ gây cháy nổ là nhu cầu cấp bách, cần thiết chứ không thể chần chừ được nữa", TS Lê Huy Bá nhấn mạnh.
Chuyên gia môi trường Phan Thế Hiện (Viện Khoa học công nghệ và môi trường) bổ sung, vụ cháy phát tán chất thủy ngân độc hại từ Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông tại Hà Nội là cảnh báo cho chính TP.HCM. So với Hà Nội, TP.HCM có khá nhiều cơ sở sản xuất lẫn trong khu dân cư. Bỏ qua các nhà máy lớn đang cố bám trụ để giữ đất vàng thì hàng trăm cơ sở sản xuất lọt thỏm trong khu dân cư là mối đe dọa lớn về cháy nổ, ô nhiễm tiếng ồn, không khí... Theo ông Hiện, các ngành tài nguyên môi trường, quản lý sản xuất, PCCC, cấp giấy phép sản xuất… cần có động tác rà soát lại và kiểm tra việc PCCC tại các cơ sở sản xuất những mặt hàng có nguy cơ cháy nổ, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường như dệt nhuộm, hóa chất, gò hàn, làm bún, bánh…
Trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương
Một báo cáo của Sở TN-MT gửi lên UBND TP.HCM tháng 3 vừa qua về kết quả triển khai và thực hiện công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố cho thấy, TP.HCM có rất nhiều hộ gia đình, công ty quy mô nhỏ hoạt động xen cài trong khu dân cư. Thế nên khi tiến hành xử phạt, các đơn vị này sẵn sàng nộp phạt, không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả đình chỉ hoạt động. Theo đánh giá của Sở TN-MT, hiệu lực của các quyết định xử phạt của cơ quan hành chính nhà nước chưa thực sự hiệu quả.
Ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường, cho biết chủ trương di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư của Chính phủ có từ năm 2003. Việc chậm trễ là trách nhiệm của chính quyền địa phương và chính DN. “Nếu DN bảo khó, không thể di dời thì tại sao một loạt nhà máy khác di dời được. Rất nhiều nhà máy lớn đã di dời khỏi khu vực nội đô Hà Nội và TP.HCM thành công, duy trì sản xuất kinh doanh tốt. Do vậy nếu nói rằng vì DN gặp khó nên chưa di dời được là thiếu công bằng với các DN khác. Một số địa phương đã xin Sở TN-MT gia hạn di dời cho DN, tôi nghĩ phải có giải trình thế nào. Nhà máy gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng hàng nghìn hộ dân, kéo dài từ vài chục năm vẫn được gia hạn di dời thì cần coi lại năng lực quản lý địa phương”, ông Chinh nói.
Bình luận (0)