Chợ nông sản sạch 'tái xuất'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
14/01/2020 06:40 GMT+7

Từ chỗ chỉ bán nông sản sạch có nguồn gốc từ Quảng Nam, Đà Nẵng, phiên chợ đã nâng quy mô với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cá nhân các tỉnh miền Trung - Tây nguyên.

Trở lại sau 1 năm vắng bóng, liên tục những phiên chợ nông sản sạch được tổ chức vào cuối năm 2019 tại số 120 Võ Nguyên Giáp đã khiến những bà nội trợ tại Đà Nẵng phấn khích vì quy mô được nâng lên cùng nhiều mặt hàng mới lạ. Đây là phiên chợ do HealthyFarm, một doanh nghiệp (DN) xã hội tại Đà Nẵng, tổ chức từ tháng 11.2016. Vì vấn đề mặt bằng, phiên chợ đã tạm hoãn trong khoảng hơn 1 năm khiến nhiều người tỏ ra tiếc nuối…

Rau sạch, giá phải chăng

Chúng tôi hỗ trợ nông dân có thu nhập xứng đáng hơn và mang đến giá cả hợp lý cho người tiêu dùng

Đại diện HealthyFarm, doanh nghiệp tổ chức phiên chợ

Những ngày đầu mới hoạt động, các nhà cung cấp, nông hộ sản xuất nông sản đã bày bán nhiều sản phẩm với nguồn gốc canh tác sạch khiến người dùng yên tâm. Tuy vậy, phiên chợ bị đánh giá là khá nghèo nàn vì ít gian hàng, sản phẩm bày bán nặng tính trưng bày. Trở lại với những phiên chợ này, HealthyFarm đã hội tụ hàng chục gian hàng thực phẩm sạch, đa dạng nông sản từ rau, củ, quả… cho đến các mặt hàng thủ công tại địa phương, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, thân thiện với môi trường.
Chị Phạm Thị Hương, trú P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng, cho hay mình là “khách ruột” của phiên chợ trong vài năm gần đây. “Cứ mỗi lần xách giỏ đi chợ, tôi lại ngần ngại bước vào các gian hàng bán rau củ vì không biết phải chọn sao cho an toàn. Nhưng đến phiên chợ này, tôi có thể chọn thực phẩm yêu thích bởi nguồn gốc, chất lượng đã được kiểm soát trước mà giá cả lại phải chăng”, chị Hương nói khi đang chọn thêm mớ nấm bào ngư bỏ vào giỏ xách.

Rau, nấm sạch hút khách

Nông dân Nguyễn Cần (60 tuổi), trú xã Bình Nguyên, H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, góp chuyện, đây là lần đầu tiên vợ chồng ông tham gia phiên chợ với khoảng 100 kg nấm bào ngư. Ông bán với giá khá rẻ, chỉ 60.000 đồng/kg. “Để tham gia phiên chợ, HealthyFarm đã kiểm tra chất lượng nấm rất kỹ. Các mẫu phải đảm bảo không có hóa chất gây hại, đóng gói vệ sinh”, ông nói và cho biết thêm nhà ông có “nông trại” khoảng 1.000 m2 và thường phân phối nấm bào ngư cho các địa phương trong tỉnh; lần này mở rộng thị trường tiếp cận trước khi mở rộng sản xuất.
Từ Đắk Lắk, cô gái trẻ H’An Niê cùng nhóm bạn lần đầu “trình làng” sản phẩm cà phê sạch thương hiệu Ê-Đê Café (buôn K’La, Dray Sáp, Krông Ana) với người dân Đà thành. Gian hàng của cô được du khách nước ngoài đến mua nườm nượp. H’An cho biết, Ê-Đê Café được thu hái thủ công, rang xay nguyên chất theo cách của người Ê Đê nên đậm chất buôn làng. “Chúng em muốn mang đến cho mọi người sản phẩm cà phê sạch từ gieo trồng, thu hái, chế biến cho đến đóng gói”, cô nói. Còn anh Phạm Văn Chiến, Tổ hợp tác Thanh niên Hương Thọ (H.Vũ Quang, Hà Tĩnh), mang đến hàng trăm ký cam bù, tất nhiên đã được phía HealthyFarm “duyệt” mẫu cam.
Chợ nông sản sạch “tái xuất”

Ê-Đê Café được nhiều người nước ngoài quan tâm mua về

Sạch từ túi gói đồ…

Chợ nông sản sạch online 

Qua 21 phiên chợ đã ghi nhận có hàng vạn người dân đến mua sắm, khoảng 200 DN, cá nhân đã bán ra khoảng 15 tấn nông sản sạch. Ngoài phiên chợ này, HealthyFarm đã xây dựng chợ nông sản sạch thông qua kênh mua hàng trực tuyến. Các bà nội trợ chỉ cần online, chọn nông sản theo giá đã được niêm yết, thêm vào giỏ hàng điện tử, xác nhận đơn đặt hàng. Sau đó, HealthyFarm sẽ kiểm hàng trong kho và đóng gói sản phẩm. Nhân viên sẽ mang hàng đến tận địa chỉ và người mua thanh toán để nhận hàng.
Đặc biệt, ngày 12.1, phiên chợ nông sản phiên bản đặc biệt với chủ đề Tết ơi đã diễn ra, thu hút hàng ngàn người dân, du khách. Đến với phiên chợ tết, người dân đã chọn mua được nhiều mứt, bánh tết đặc trưng của người Việt; quà tết, nông sản địa phương cùng các sản phẩm thiên nhiên, thân thiện với môi trường đến từ các nông dân và hợp tác xã... Phiên chợ lần này tiếp tục hướng đến là một phiên chợ xanh mà ở đó, khách mua hàng tự mua túi cá nhân để hạn chế rác thải ra môi trường, cũng như sử dụng các loại túi đựng phân hủy hữu cơ thay thế bao bì ni lông.
Theo đại diện của HealthyFarm, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm; sản xuất nông nghiệp Việt Nam thiếu sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, thiếu hụt các hệ thống chứng nhận chất lượng có uy tín. Bên cạnh đó, sự bất cập trong chuỗi cung ứng thực phẩm dẫn đến tình trạng các thực phẩm sạch thường có giá cao và dễ bị hư hỏng. Đó là những lý do để HealthyFarm tận tay lựa chọn các nhà sản xuất tốt, có kỹ thuật canh tác tự nhiên, quy trình sản xuất sạch và an toàn, cải thiện hệ thống phân phối và giữ giá cả ở mức phải chăng… HealthyFarm đề cao sự minh bạch khi tự tay sàng lọc các nhà cung cấp dựa trên tiêu chuẩn của châu Âu; khảo sát từng nông trại, đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn cao nhất để chắc chắn những nhà sản xuất đáp ứng đủ các yêu cầu về chất lượng. DN này còn nâng cao nhận thức cộng đồng và niềm đam mê với thực phẩm an toàn. Riêng phiên chợ nông sản đã tạo điều kiện cho nhà nông tương tác đến khách hàng với giá cả phải chăng thông qua việc bán hàng trực tiếp. “Chúng tôi hỗ trợ nông dân có thu nhập xứng đáng hơn và mang đến giá cả hợp lý cho người tiêu dùng”, đại diện HealthyFarm cho biết thêm.
Chợ phiên cũng là dịp để nhiều DN khác trên cả nước chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm thân thiện với môi trường, như túi xách đan từ cói, muỗng gỗ, ống hút tre… Chị Nguyễn Hà, Công ty TNHH An Đông, cho biết chị phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường như chén bát, ống hút giấy… tại thị trường Bình Dương đã lâu. Thông qua phiên chợ này, chị mong muốn người dân Đà Nẵng sẽ sử dụng những sản phẩm này để bảo vệ môi trường.
Chợ phiên HealthyFarm còn khuyến khích người bán nông sản sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Tại phiên chợ vừa diễn ra, trong khi những “khách quen” xách giỏ đi chợ để hạn chế túi ni lông thì hàng chục gian hàng khác đã sử dụng túi gói đồ bằng giấy nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Hàng loạt gian hàng bán rau quả như của bà Bảy (xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, Đà Nẵng), của các nông dân ở TX.Điện Bàn (Quảng Nam), cà phê sạch của H’An… khiến người mua thích thú vì sử dụng túi giấy có quai xách tiện dụng. Chị Phan Thị Ngọc Quý vừa đóng 2 kg gạo sạch Triệu Phong (Quảng Trị) vào túi giấy vừa lý giải: “Gạo được canh tác tự nhiên, không hóa chất, phân bón hóa học thơm ngon là vậy mà đem bỏ vào túi ni lông sẽ mất đi độ sạch. Chúng tôi sử dụng túi giấy để vừa bảo vệ chất lượng gạo vừa góp phần bảo vệ môi trường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.