Chợ online Việt ngày càng nhộn nhịp

Mai Phương
Mai Phương
20/03/2021 08:10 GMT+7

Một số website và sàn thương mại điện tử của Việt Nam năm vừa qua đã vươn lên thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng của khu vực Đông Nam Á.

Thị trường lớn thứ 2 trong khu vực

Cổng thông tin thương mại điện tử iPrice phối hợp cùng SimilarWeb, AppsFlyer công bố báo cáo tác động của đại dịch lên ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2020. Trong đó, top 10 sàn TMĐT có lượng truy cập website trung bình cao nhất năm qua tại Đông Nam Á ghi nhận đến 5 doanh nghiệp nội địa Việt Nam gồm Thế Giới Di Động, Tiki, Sendo, Bách hóa Xanh và FPT Shop.
Dẫn đầu trong top 10 này vẫn là hai “ông lớn” Shopee, Lazada và sau đó 3 startup “kỳ lân” đều thuộc Indonesia là Tokopedia, Bukalapak và Blibli. Danh sách 10 đơn vị nêu trên không thay đổi so với năm 2019. Nhưng đáng chú ý, trong năm vừa qua, Thế Giới Di Động đã vươn lên giữ hạng 5 trong các website TMĐT Đông Nam Á với lượt truy cập trung bình năm là 28,6 triệu, chỉ cách Bukalapak của Indonesia 7 triệu lượt. Bên cạnh đó, sàn Tiki cũng vượt mặt Blibli của Indonesia để giành vị trí thứ 6 và trở thành điểm sáng của doanh nghiệp Việt với 22,5 triệu lượt truy cập trong bảng xếp hạng lượt truy cập trung bình trong khu vực. Theo sau đó là Sendo với 14,3 triệu lượt truy cập và xếp thứ 8.
Ở báo cáo quý 2/2019, tất cả doanh nghiệp Việt Nam đều nằm ở top dưới trong danh sách. Như vậy, năm 2020 đã chứng kiến việc cải thiện rõ rệt của các sàn TMĐT của Việt Nam. Đồng thời, "Bản đồ TMĐT Đông Nam Á" còn ghi nhận VN là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia, xét về lượng truy cập. Theo đó, tổng lượt truy cập website trung bình năm 2020 của Việt Nam gấp 4 lần so với Malaysia, 3 lần so với Philippines và 2 lần so với Thái Lan.
Trước đó, Báo cáo TMĐT các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 - 2025 của TMĐT VN là 29%. Khi đó, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỉ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khối ASEAN.
Năm vừa qua khi dịch Covid-19 bùng phát, khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam cũng cho thấy mức độ tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp ngành này trong giai đoạn cao điểm của đại dịch (tháng 2 - 4.2020) là 14% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số rất ấn tượng trong bối cảnh khủng hoảng chung và nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác phải đóng cửa, giải thể hay phá sản. Vì vậy, dịch Covid-19 là một trong những tác động góp phần thúc đẩy lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam phát triển nhanh hơn khi nhiều người dân chuyển hướng từ giao dịch, mua bán, học hành… theo phương thức truyền thống sang online.
Theo một kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến người Việt Nam của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen VN trong năm 2020, có 64% người dùng cho rằng sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn sau Covid-19 và 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Điều này cho thấy TMĐT sẽ gắn liền với hành vi mua sắm của người dùng kể cả sau dịch. Với sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, các chuyên gia TMĐT đều cho rằng các doanh nghiệp cần phải thay đổi như mở rộng kênh bán hàng online và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng; chuyển đổi danh mục sản phẩm; tăng cường bán hàng đa kênh và truyền tải thông điệp về sức khỏe và đảm bảo chất lượng...

Cần gia tăng kiểm soát chất lượng

Trong top 10 sàn TMĐT dẫn đầu tại Đông Nam Á, 2 vị trí đầu tiên lần lượt thuộc về Shopee và Lazada. Tuy nhiên, đây là 2 đơn vị toàn cầu và đã hoạt động ở hầu hết các nước trong khu vực và số lượng truy cập được tính cộng dồn ở nhiều nước. Do vậy không thể so sánh đơn thuần với các sàn TMĐT chỉ hoạt động trong lĩnh vực nội địa tại Việt Nam.
Theo ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, trong những đánh giá gần đây về các quốc gia chủ đạo để đầu tư phát triển những lĩnh vực công nghệ mới như TMĐT, trí tuệ nhân tạo… thì Việt Nam được đánh giá là dẫn đầu về cơ hội và tiềm năng cho thị trường TMĐT. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn và sẵn sàng tập trung phát triển thị trường TMĐT của Việt Nam mạnh hơn nữa. Trong đó, thị trường Việt Nam đóng góp khá lớn vào sự thành công của Shopee và Lazada cũng như đẩy 2 tên tuổi này dẫn đầu tại khu vực Đông Nam Á. Còn các sàn TMĐT của Indonesia đều thuộc các tập đoàn bán lẻ lớn nhất của nước này và đã phát triển sớm hơn Việt Nam. Quan trọng nhất là dân số của Indonesia gấp gần 3 lần Việt Nam nên tính theo lượt truy cập thì các sàn TMĐT nước này đứng thứ hạng cao hơn của Việt Nam là dễ hiểu. Đồng thời, chính phủ nước này hỗ trợ rất mạnh cho lĩnh vực TMĐT. Nhưng tại Việt Nam, chẳng hạn Tiki trong năm qua đã vươn lên mạnh mẽ và đang nhận được sự ủng hộ của nhiều người dùng hơn cả "ông lớn" Lazada do đảm bảo thời gian giao hàng nhanh, chất lượng sản phẩm như quảng bá...
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, bản thân các sàn TMĐT tại Việt Nam cũng có thể xem xét cơ hội để tiến xa hơn trong việc phát triển trong khu vực. Đồng thời để tiếp tục giữ chân khách hàng thì quy trình thẩm định nhà bán hàng cần chặt chẽ để đảm bảo chất lượng hàng hóa, tạo niềm tin cho người tiêu dùng là quan trọng nhất. Kế tiếp là tối ưu hóa quy trình hoàn tất đơn hàng và đến việc xử lý tranh chấp. Điều này sẽ hạn chế được câu chuyện hàng nhái, hàng giả hay hàng kém chất lượng để mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Trên thực tế, sự không hài lòng trong trải nghiệm giao hàng là một điều khá phổ biến đang diễn ra trong hoạt động TMĐT ở Đông Nam Á.
Theo một nghiên cứu của iPrice và Parcel Performance trong năm 2019, vẫn có 34,1% người dùng TMĐT trong khu vực chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ chuyển phát bưu kiện mà họ nhận được. Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy trung bình phải mất 5 - 6 ngày sản phẩm được chuyển phát đến tận tay người mua, tốc độ giao dịch chậm thứ hai trong khu vực. Năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2025 là 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng trung bình đạt 600 USD/người/năm. Bên cạnh đó, doanh số TMĐT mô hình B2C (doanh nghiệp đến người dân) tăng 25%/năm, đạt 35 tỉ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kênh bán hàng online (gồm cả mạng xã hội); 40% doanh nghiệp tham gia TMĐT trên các ứng dụng di động...
Vì vậy, ngoài việc tăng tốc, chuẩn hóa các quy trình từ bán hàng đến giao hàng, thanh toán, vấn đề giữ chữ tín với người tiêu dùng là quan trọng nhất để doanh nghiệp có thể thành công trong TMĐT.
Theo số liệu từ Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương), vai trò của TMĐT ngày càng trở nên quan trọng hơn khi tỷ trọng doanh thu từ TMĐT tăng hằng năm. Nếu như năm 2018, tỷ trọng doanh thu của TMĐT trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước đạt 3,6% thì năm 2019 con số này là 4,2% còn năm 2020 tỷ trọng này là 5,5%.
Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù thị trường bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng TMĐT Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỉ USD. Việt Nam hiện là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.