Chuyên gia Hàn Quốc khuyên huy động vốn cho nhà ở xã hội qua xổ số

Lê Quân
Lê Quân
21/04/2021 11:20 GMT+7

Các chuyên gia của Hàn Quốc đã chỉ ra nhiều hạn chế trong cơ chế phát triển tài chính cho phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam , dẫn đến đói vốn, không đạt mục tiêu an sinh xã hội.

Phát triển nhà ở xã hội ở nước ta trì trệ đến mức chỉ đạt hơn 5,2 triệu m2, tương đương 41,7 % kế hoạch sau 10 năm phát triển. Theo Bộ Xây dựng, một trong 2 nguyên nhân chính là đói vốn. Trong tài liệu Dự án Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 được phía Hàn Quốc chuyển giao sau khi nghiên cứu hoàn thành, đã chỉ ra nhiều bất cập trong cơ chế huy động tài chính cho phát triển nhà ở xã hội.

Vốn phát triển nhà ở xã hội không thể quá phụ thuộc vào ngân sách

Cụ thể, chuyên gia Lee Jae Song của Hàn Quốc đã nêu, nguồn tài chính cho nhà ở xã hội ở Việt Nam chủ yếu là ngân sách do Chính phủ, được phân bổ qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Hiệu quả thể hiện rõ nhất là gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ được nhiều chủ đầu tư, người dân an cư. Nhưng, sau khi gói 30.000 tỉ đồng không còn, từ 2017, việc phát triển nhà ở xã hội chững hẳn.
Mặc dù từ năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 100 có quy định tại Điều 15 là hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp khi gửi tiết kiệm trên 12 tháng, nhưng quy định này chưa thực sự phát huy hiệu quả, nguồn vốn vẫn phụ thuộc chủ yếu từ ngân sách.
“Để đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho phát triển nhà ở xã hội, cần thoát khỏi phương thức huy động nguồn vốn từ Chính phủ. Thay vào đó, cần tận dụng lợi ích từ nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao và từ thu nhập đang ngày càng gia tăng của người có nhu cầu mua nhà”, chuyên gia Lee Jae Song nói và cho rằng, nguồn lực từ ngân sách cần thiết hơn cho tập trung phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng nên khó ưu tiên bố trí cho phát triển nhà ở xã hội.
Chuyên gia Lee Jae Song chỉ ra, quỹ tiết kiệm nhà ở của Ngân hàng Chính sách Xã hội được thành lập với mục đích tiếp nhận vốn cho người tiêu dùng có đủ điều kiện vay nên khả năng tiếp cận tài chính còn hạn chế. Cơ chế như hiện tại khó có thể tận dụng sư gia tăng thu nhập của những khách hàng tiềm năng làm quỹ phục vụ phát triển nhà ở xã hội.
Để tạo ra nguồn vốn chủ động hơn cho phát triển nhà ở xã hội, chuyên gia Lee Jae Song cho rằng cần mở rộng đối tượng đăng ký tiết kiệm mua nhà sang cả những đối tượng khách hàng tiềm năng để thu hút thêm nhiều người tham gia, đảm bảo nguồn quỹ chủ động hơn cho phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh có, có thể quy định số tiền tối thiểu bắt buộc phải tiết kiệm hàng tháng để đảm bảo sự ổn định của quỹ nhà ở xã hội. 
Theo ông Lee Jae Song, có thể ưu đãi bán nhà mới cho những người đăng ký tiết kiệm nhà ở để khuyến khích dòng tiền duy trì ổn định cho quỹ nhà ở xã hội. Cụ thể là trao cơ hội cho những người đã được một khoảng thời gian nhất định sau khi đăng ký tiết kiệm mua nhà hoặc phương án tặng thêm điểm khi bán nhà.
“Kinh nghiệm của Hàn Quốc đang áp dụng là trao cơ hội đăng ký mua nhà ở xã hội cho những người tham gia tiết kiệm nhà ở. Việt Nam có thể áp dụng trao quyền ưu tiên mua nhà ở xã hội cho các cá nhân tham gia tiết kiệm nhà ở tại Ngân hàng Chính sách Xã hội sau một thời gian nhất định tham gia. Như vậy là tương đồng với cách làm ở Hàn Quốc, có thể tạo ra sự quan tâm của cộng đồng, mở rộng nguồn cho quỹ nhà ở xã hội”, ông Lee Jae Song chia sẻ.
Tuy nhiên, để thu hút được nhiều người tham gia, cần giảm bớt nhiều điều kiện vay vốn, chọn lựa, tập trung vào từng nhóm đối tượng nhất định, giải quyết hiệu quả dứt điểm về nhà ở.
“Khi số lượng người đăng ký tiết kiệm vay vốn nhà ở xã hội tăng lên, sẽ tạo nên cấu trúc tuần hoàn, khi đó lượng tiền gửi tăng sẽ làm quỹ nhà ở xã hội mở rộng phạm vi. Số lượng nhà ở được xây dựng, cung ứng sẽ tăng, tạo ra hiệu quả bền vững, ổn định cho phát triển nhà ở xã hội”, chuyên gia Lee Jae Song nói.

Ngoài thiếu vốn, nhà ở xã hội còn bị vướng về quỹ đất

Ảnh Lê Quân

Phát triển vốn cho nhà ở xã hội qua kinh doanh xổ số kiến thiết

Qua khảo sát, các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào nhóm lao động trong các khu công nghiệp do nhu cầu, điều kiện thu nhập đáp ứng yêu cầu cho vay mua nhà rất lớn. Bên cạnh đó là nhóm người lao động, công nhân viên chức có thu nhập ổn định tại các thành phố lớn.
Để đa dạng nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia Hàn Quốc cũng đề nghị tăng cường phát hành trái phiếu nhà ở, thành lập vốn nhà ở đô thị để túi tiền này dành riêng cho làm nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết khá sôi động, có thể nghiên cứu lập quỹ tiết kiệm nhà ở thông qua hình thức kinh doanh này. Nếu chọn tiền trúng thưởng ở mức có thể mua nhà ở xã hội và quảng bá rộng rãi thì hoạt động kinh doanh xổ số này vừa hoạt động huy động vốn hiệu quả, vừa nâng cao vai trò, nhận thức và quan tậm của cộng đồng, mở rộng thêm nguồn vốn.
Để quản lý nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, có thể giao trực tiếp Bộ Xây dựng hoặc Ngân hàng Chính sách Xã hội hay thành lập mới 1 tổ chức chuyên trách. Với hoàn cảnh ở Việt Nam hiện nay, giao cho Ngân hàng Chính sách Xã hội quản lý là phù hợp nhất. Nhưng dòng tiền cần đưa vào 1 quỹ riêng, khi mở rộng đủ lớn mạnh sẽ tách thành 1 quỹ độc lập.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.