Có sàn, mái, tường được tính là nhà ở?

16/10/2019 06:32 GMT+7

Kết quả điều tra dân số và nhà ở tại TP.HCM năm 2019 đưa ra kết quả: Toàn thành phố chỉ có 39 hộ không có nhà ở trong tổng số gần 9 triệu người dân.

Quan điểm người sống ở gầm cầu thang vẫn được xem là có nơi ở nên theo Cục Thống kê TP.HCM, cả thành phố chỉ có 39 hộ không có nhà ở; trong khi theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thì có tới 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ.

Thống kê chênh lệch tới hơn 12.000 lần

Kết quả điều tra dân số và nhà ở tại TP.HCM năm 2019 đưa ra kết quả: Toàn thành phố chỉ có 39 hộ không có nhà ở trong tổng số gần 9 triệu người dân. Theo giải thích từ đại diện Cục Thống kê TP.HCM, hộ không có nhà ở là những hộ sống ở lều, lán trại, vỉa hè. Hiện nay ở Q.1, Q.4 và một số huyện ngoại thành còn tình trạng này. Đặc biệt, điều tra của ngành thống kê không dựa trên chủ quyền nhà mà chỉ thống kê nơi ở. Theo định nghĩa của ngành này, nơi ở có thể chưa phải là căn hộ, căn nhà, nhưng nơi đó có tính riêng biệt, có cửa ra vào riêng, có sàn, mái, tường thì đủ điều kiện được xem là nơi ở. Vì vậy, trường hợp nhà bè ở trên sông, hồ có đầy đủ 3 bộ phận: sàn, mái, tường như định nghĩa trên thì được tính là nhà ở. Hay có những người sống ở gầm cầu thang mà có vách, có cửa ra vào thì cũng tính là có nơi ở. Dựa trên quy tắc thống kê trên, 39 hộ không có nhà ở tại thành phố hiện nay gồm có 1 hộ ở Q.1, 1 hộ ở Q.4 và 37 hộ ở H.Cần Giờ.
Đáng chú ý, cách đây không lâu, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) đưa ra thống kê trích dẫn theo số liệu về tổng số căn nhà của Sở Xây dựng TP, hiện thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân. Số người chưa có nhà ở đó chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình của TP.HCM. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch, khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea, bày tỏ sự ngạc nhiên cao độ khi cho biết mới nghe về con số 39 hộ chưa có nhà ở tại thành phố hiện nay và cho rằng, con số này rất lạ kỳ và cách thống kê cũng rất lạ. Ông Châu đặt câu hỏi: Trong số hơn 2 triệu hộ dân tại thành phố mà ngành thống kê công bố hiện nay là có bao nhiêu hộ ở ghép? Thực tế, đa số các hộ ở ghép chính thức đều chưa có nhà riêng. Đó là chưa kể đến số người nhập cư đang ở trọ hiện nay khá nhiều. Trong khi ngành thống kê chỉ tính những người nhập cư có đăng ký tạm trú từ 6 tháng trở lên thì có nhiều người dù sống nhiều năm tại thành phố cũng không đăng ký... và họ đương nhiên bị “lọt sổ” đợt thống kê này.
“Tôi cho rằng cần xem lại tiêu chí thế nào là nhà ở? Nếu chỉ cần có sàn, mái, tường như sống trên ghe thuyền, gầm cầu thang vẫn tính có nơi ở thì không giống với định nghĩa nhà ở của bất kỳ nơi nào. Trong khi đó, chúng tôi vẫn nghĩ rằng hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch trong các ngôi nhà lụp xụp của thành phố cũng cần có nhà ở kiên cố hơn”, ông Châu nói.

Bệnh thành tích ?

“Nếu toàn thành phố mà chỉ có 39 hộ không có nơi ở thì TP.HCM nói riêng và cả VN nói chung đã là một nơi hạnh phúc nhất thế giới vì đã đảm bảo được nhà ở cho người dân. Theo thống kê đó thì lãnh đạo của thành phố cũng không phải nhọc công lo lắng và tìm giải pháp để phát triển các loại nhà ở dành cho người thu nhập thấp như từ trước đến nay vẫn làm”.   

Ông Lê Hoàng Châu

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, có những số liệu sai số lớn như vậy là do “bệnh thành tích”. Đây không phải lỗi kỹ thuật, mà là tắc trách hoặc quan liêu hoặc công thức thống kê đã lạc hậu, hoặc ngành thống kê đang có một cách tính riêng nào đó mà không ai hiểu nổi. Đơn cử với thống kê nhà ở, đếm thủ công hoặc hỏi cán bộ phụ trách nhà ở tại các phường, xã cũng ra con số tương đối của một phường. “Tôi nói công thức tính hoặc cách tính có thể lạc hậu bởi làm sao tính người sống dưới gầm cầu thang một cách tạm bợ là có mái che, được che chắn bằng vách cầu thang, coi như là có nhà? TP.HCM ngay người vô gia cư, ngủ trên lề đường, khoanh vùng trong 1 phường đã có thể đạt con số ấy. Ngành thống kê nên xem xét “3 tiêu chí lạc hậu” để điều chỉnh lại cho hợp thời cuộc hơn”, TS Thịnh nói.
Đồng quan điểm, TS Bùi Trinh, chuyên gia phân tích độc lập, cũng cho rằng số liệu thống kê ở nhiều lĩnh vực của VN thời gian qua có sai sót rất lớn với thực tế. Điều này có thể xuất phát từ phương pháp đến quá trình thực hiện. Bên cạnh trình độ các điều tra viên chưa phù hợp thì việc giám sát của các đơn vị thống kê còn lơ là, lỏng lẻo hoặc không thực hiện giám sát trong khi thực hiện. TS Bùi Trinh nhấn mạnh, số liệu thống kê là cực kỳ quan trọng với các quốc gia vì từ đó sẽ đưa ra các chiến lược về phát triển ngành, phát triển kinh tế nói chung thì nhiều bộ, ngành của VN còn xem nhẹ và lơ là trong công tác này. Thậm chí nhiều khi chạy theo thành tích hay làm qua loa dẫn đến việc đưa ra các số liệu phi thực tế mà hậu quả là người sản xuất, người lao động và cả nền kinh tế phải gánh chịu. Do đó, cần phải thay đổi lại toàn bộ phương pháp và quá trình thực hiện thống kê từ các lĩnh vực để kết quả đưa ra đáng tin cậy hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.