Địa hình cao, khu Đông vẫn ngập

16/09/2020 06:24 GMT+7

Địa hình cao, một số tuyến đường mới được chỉnh trang, xây dựng nhưng đã nhanh chóng trở thành điểm ngập nước ... Ngập tiếp tục là bài toán khó đối với khu Đông của TP.HCM.

“Lên TP có hết ngập ?”

Chiều tối 14.9, cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ khiến đường Kha Vạn Cân và Tô Ngọc Vân đoạn từ đường Phạm Văn Đồng về Linh Đông (Q.Thủ Đức) ngập nặng. Chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, nước dâng lên ngập đến hơn nửa bánh xe. Hàng ngàn phương tiện phải bì bõm lội bộ trong dòng nước vì chết máy. Gần đó, hàng trăm hộ dân tại khu vực P.Tam Bình (Q.Thủ Đức) khốn khổ tát nước vì ngồi trong nhà mà nước cũng dâng lên quá đùi.
Ngập lụt không phải chuyện lạ tại TP.HCM, thế nhưng khu vực phía đông gồm Q.Thủ Đức và một phần Q.9, H.Củ Chi là nơi cao nhất TP với độ cao từ 20 - 30 m (so với cao độ chuẩn quốc gia), gấp 6 - 10 lần độ cao khu vực nội thành; bên cạnh đó, một số tuyến đường vừa mới được mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang đã trở thành điểm đen ngập nước trong những ngày mưa, không khỏi khiến người dân bức xúc.
Điển hình, đường Phạm Văn Đồng được mệnh danh là “đại lộ đẹp nhất TP” với các hệ thống hạ tầng, cảnh quan được đầu tư bài bản, chất lượng nhưng cũng nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh ngập nước của người dân chỉ sau 6 năm thông xe. Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Q.Thủ Đức lý giải trước đây, khu vực đường Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân có 2 hướng thoát nước chính là 2 dòng mương dọc khu vực đường ray xe lửa. Theo đó, toàn bộ nước mưa sẽ theo đường mương chảy về phía chợ Thủ Đức, tiếp tục thoát nước theo các hướng khác. Tuy nhiên kể từ khi đường Phạm Văn Đồng được cải tạo, nâng mặt đường lên quá cao, nước mưa chảy dồn về hướng giao lộ với đường Tô Ngọc Vân, gây sức ép lên 2 hướng thoát nước hiện hữu. Mặt khác, một số vị trí lòng mương đã bị thu hẹp vì người dân lấn chiếm, đặt tấm bê tông phía trên. Do đó, hệ thống thoát nước toàn bộ khu vực này không được đảm bảo. Trong khi đó, dự án xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa, bao gồm việc cải tạo 1 nhánh mương hiện hữu và hình thành 2 hướng thoát nước mới do UBND quận đề xuất hiện vẫn chưa thể triển khai, khiến tình trạng ngập lụt chưa thể giải quyết.
Tương tự, tại Q.9, đường Lê Văn Việt vừa được thi công mở rộng, làm mới cách đây khoảng 4 - 5 năm nhưng rất nhiều đoạn như gần cầu Bến Nọc, phía sau Khu Công nghệ cao và đoạn từ Đình Phong Phú đến Lã Xuân Oai... cũng không thoát khỏi cảnh xe cộ “bơi” giữa đường phố.
Địa hình cao, khu Đông vẫn ngập

Ngập trên đường Tô Ngọc Vân, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức chiều 4.6

Lên chiến lược chống ngập bài bản

Lý giải nguyên nhân khu vực cao nhất TP.HCM cũng ngập nặng, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), cho biết không phải cứ địa hình cao là không ngập. Đơn cử, Đà Lạt, Hà Giang là vùng cao nhưng vẫn ngập, hay huyện đảo bốn bề là biển như Phú Quốc cũng không thoát ngập. Việc các khu vực địa thế cao ngập nước là do quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, nhiều công trình, nhà cửa mọc lên liên tục trong khi hệ thống hạ tầng thoát nước hiện hữu không đáp ứng được hoặc chưa đồng bộ.
Theo PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM), những khu vực ngập lâu nay tại Q.Thủ Đức chủ yếu là vùng địa hình cao, độ dốc lớn nhưng do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư bài bản, hoàn chỉnh nên không kịp đáp ứng theo tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa. Những trận mưa cường độ quá lớn diễn ra ngày càng nhiều khiến hệ thống cống không chịu tải nổi. Hiện nay chưa có nhiều dân cư ở nên tình trạng ngập chưa “lộ” ra nghiêm trọng. Tương lai, mực nước sông dâng cao, cùng với nguy cơ lũ từ 2 con sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đổ về, rồi hàng loạt công trình, cao ốc, khu công nghiệp, khu dân cư được xây dựng... sẽ khiến ngập lụt trở thành vấn nạn của TP mới nếu không nhanh chóng xây dựng chiến lược chống ngập bài bản.
Ông Phi hiến kế: Cũng giống những khu vực khác hiện nay của TP, các giải pháp công trình cần được nhanh chóng đầu tư, xây dựng theo đúng quy hoạch. Hiện TP đang loay hoay tập trung vào nhóm giải pháp ngăn chặn, mang tính “chống ngập” bằng cách không cho nước vào thông qua hệ thống đê, cống ngăn triều, cống thoát nước... Tuy nhiên rất nhiều dự án đã được đầu tư, xây dựng xong như cống ngăn triều Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm... nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Điều đó cho thấy chỉ chống ngập bằng giải pháp ngăn chặn là chưa đủ. Cần kết hợp với nhóm thích nghi - quy hoạch mặt phủ thấm nước, xây dựng các hồ điều tiết. TP phía đông cần tỷ lệ mảng xanh, tỷ lệ thoát nước cao hơn tỷ lệ chung của TP. Khu vực Q.9, Q.2 còn nhiều không gian có thể tận dụng được. Cùng với đó, phải có đánh giá đầy đủ, thống kê thiệt hại về kinh tế, xã hội do ngập, từ đó chú trọng những giải pháp dự phòng để giảm thiệt hại tới mức thấp nhất trong tình huống xấu nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.