Gửi ngân hàng nào lãi suất cao nhất?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
26/07/2019 16:54 GMT+7

Ngoài mức lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm thông thường ở mức “ổn định”, các ngân hàng còn tung ra các chương trình với lãi suất cao hơn nhiều.

Đối với kỳ hạn huy động tiền gửi tiết kiệm thông thường dưới 6 tháng, các ngân hàng bị khống chế mức lãi suất trần không được vượt quá 5,5%/năm nên lãi suất của nhà băng tương đối giống nhau. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn dao động từ 0,1 - 1%/năm, 3 tháng từ 5,4 - 5,5%/năm. Qua đến kỳ hạn 6 tháng, không bị khống chế mức trần, lãi suất huy động tiền đồng của các nhà băng tăng mạnh, vượt mức 6%/năm, có ngân hàng lên trên 7%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động tiền đồng xuất hiện con số 8%/năm và lên 8,6%/năm ở kỳ hạn 24 tháng.
Các ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước chi phối lãi suất thấp hơn các ngân hàng cổ phần từ 0,5 - 2,5%/năm tùy theo kỳ hạn gửi tiền. Chẳng hạn tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng ở mức 5%/năm, thấp hơn các nhà băng khác 0,5%/năm; 6 tháng ở mức 5,5%/năm, thấp hơn các ngân hàng khác từ 1,3 - 1,9%/năm; 12 tháng có lãi suất 6,8%/năm, thấp hơn từ 0,2 - 1,2%…
Đó là mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm thông thường, các ngân hàng còn đẩy lãi suất lên cao hơn khi triển khai các chương trình khác. Lãi suất huy động tiền đồng cao nhất hiện nay là 9,1%/năm thuộc về VietABank qua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng. Các chương trình khác của nhà băng này cũng có mức lãi suất rất “khủng” như “Đặc quyền 16+” gửi 16 tháng với lãi 8,85%/năm, “Sao 500” kỳ hạn 12 tháng lãi 8,7%/năm, “Gửi Thần tốc, nhận lãi sốc” ở kỳ hạn 7 tháng lên đến 8,3%/năm… Lãi suất chứng chỉ tiền gửi tại NAM A Bank đối với kỳ hạn 7 năm từ 8,2 - 8,9%/năm…
Ngoài ra, các ngân hàng còn triển khai các chương trình tặng quà, tặng lãi suất khi gửi tiết kiệm qua online, tặng lãi suất cho người lớn tuổi…Tuy nhiên khi tham gia các chương trình này, khách hàng cần lưu ý là các ngân hàng sẽ không cho rút tiền gửi trước hạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.