Ì ạch dự án 'giải cơn khát' cho Khánh Hòa

08/04/2021 06:30 GMT+7

Khánh Hòa có 31 hồ đập, hằng năm tỉnh bỏ ra hàng chục tỉ đồng để ứng phó với hạn hán nhưng vẫn không tránh được tình trạng khô hạn.

Và hồ Sông Chò 1 với dung tích khoảng 110 triệu m3 nước thành lời giải cho bài toán khát nước ở địa phương này. Tuy nhiên, cần sự quyết liệt hơn của tỉnh Khánh Hòa thì “giấc mơ Sông Chò” mới sớm thành hiện thực.

Cơn khát bên những dòng sông

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 40 con sông dài từ 10 km trở lên, tạo thành một mạng lưới sông ngòi chằng chịt khắp tỉnh này. Tuy nhiên, trừ sông Cái là tương đối lớn về lưu lượng và độ dài, đa phần các con sông còn lại đều ngắn và độ dốc lớn. Ở phía thượng nguồn - nơi khởi phát những con sông ở Khánh Hòa, do đặc thù của địa hình nên không thể hình thành các hồ chứa nước có dung tích lớn như hồ Phú Ninh (Quảng Nam) với 344 triệu m3, Nước Trong (Quảng Ngãi) với 300 triệu m3, hồ Sông Hinh (Phú Yên) 223 triệu m3... 31 hồ trong toàn tỉnh Khánh Hòa mà chỉ chứa có 250 triệu m3 nước thì đủ biết sự “hụt hơi” của nó như thế nào trong việc tưới cho các cánh đồng trong mỗi mùa khô hạn. Đã vậy, những con sông vừa ngắn lại quá nhỏ nên lượng nước bổ sung vào các hồ không bao giờ đủ dung tích thiết kế, dẫn đến việc chỉ cần nắng hạn gay gắt vài ba tháng là toàn bộ các hồ đều trơ đáy. Điển hình như vào mùa khô năm 2020, mới ở tháng 4, chưa phải đỉnh hạn nhưng tổng dung tích nước ở các hồ chỉ còn 39%, tương đương với 96/250 triệu m3. Hai hồ chứa tương đối lớn là hồ Suối Dầu chỉ còn 7/33,7 triệu m3 và Cam Ranh 2,7/22,1 triệu m3.

Lãnh đạo tỉnh sốt ruột

Trả lời Báo Thanh Niên về việc xử lý số diện tích rừng thuộc cụm đầu mối Sông Chò 1, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói: “Tôi đang giục từng ngày các cơ quan liên quan trong tỉnh để sớm giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Vì đây là công trình thủy lợi rất quan trọng trong vấn đề chống hạn và cắt lũ cho tỉnh nên chậm ngày nào là ảnh hưởng chung đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày nấy. Hy vọng sẽ bàn giao mặt bằng sớm nhất cho bên thi công”.
Năm 2020, nắng hạn gay gắt nên kinh phí dự kiến cho các biện pháp ứng phó với hạn hán cả tỉnh lên tới 88,6 tỉ đồng, chủ yếu là tạo nguồn nước để cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân và không để gia súc chết khát do thiếu nước. Ngành nông nghiệp cũng phải bỏ đất trắng 14.000 ha cây trồng do không đủ nước tưới.
Bên cạnh việc thiếu nước sinh hoạt gay gắt ở một số vùng thuộc phía nam tỉnh như Cam Lâm và Cam Ranh, hạn hán đã khiến khoảng 500.000 dân TP.Nha Trang đứng trước nguy cơ “uống nước lợ” do sông Cái bị xâm nhập mặn vì nguồn nước ngọt cạn kiệt không đủ lực để đẩy nước mặn ra xa.
Tình trạng một nửa phía tây bắc TP.Nha Trang bị ngập lụt mỗi mùa mưa về nhưng vừa xong mưa lũ là đối mặt ngay với hạn hán vẫn thường diễn ra hằng năm. Tìm một nơi tích nước ổn định, vừa bổ sung nguồn nước cho các hồ đập, vừa cắt lũ mùa mưa và chống xâm nhập mặn mùa khô là điều mà các thế hệ lãnh đạo ở Khánh Hòa luôn đau đáu. Hồ chứa nước Sông Chò như một cứu cánh để giải bài toán nói trên cho địa phương này.
Ì ạch dự án “giải cơn khát” cho Khánh Hòa

Khảo sát cụm đầu mối của hồ Sông Chò 1

Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Lời giải cơn khát

Sau nhiều năm khảo sát toàn bộ địa hình phía tây Khánh Hòa, những người làm công tác thủy lợi phát hiện vùng núi Khánh Bình thuộc huyện vùng cao Khánh Vĩnh, nơi khởi phát của sông Chò, có vị trí thuận lợi để hình thành tại đây một hồ chứa nước tầm cỡ ở miền Trung. Ngày 30.10.2017, phương án xây hồ Sông Chò 1 đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt. Hồ chứa có dung tích khoảng 110 triệu m3 nước, gần bằng 50% tổng dung tích các hồ đập chứa nước trong tỉnh Khánh Hòa, là một trong những dự án cấp bách, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua và đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2017 - 2020.
Công trình hồ chứa nước Sông Chò 1 hoàn thành sẽ tưới cho 4.300 ha đất canh tác, trong đó 1.800 ha cho H.Khánh Vĩnh và 2.500 ha cho TX.Ninh Hòa. Phần lớn số diện tích canh tác của hai địa phương này luôn trong tình trạng khô hạn phải nhờ nước trời. Hồ Sông Chò còn làm nhiệm vụ cấp nước cho sông Cái trong mùa kiệt để điều tiết nhu cầu nước cho hạ lưu sông Cái - Nha Trang, chấm dứt tình trạng nhiễm mặn đối với các nhà máy nước mỗi mùa khô kiệt. Đặc biệt, mực hồ Sông Chò 1 ở cao trình +167,7 m, cao hơn 134 m so với hồ Suối Dầu và hồ Cam Ranh là nơi thường trơ đáy trong mùa khô, nên việc chuyển nước từ hồ Sông Chò về hai hồ này là rất thuận lợi. Công trình còn tạo nguồn cấp nước 152.000 m3/ngày đêm cho sinh hoạt du lịch, dịch vụ toàn bộ khu vực TP.Cam Ranh và H.Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài việc chống hạn, hồ Sông Chò còn làm nhiệm vụ cắt lũ, chấm dứt tình trạng ngập lụt triền miên ở một nửa phía tây Nha Trang mỗi mùa lũ về.

Bao giờ có nước?

Mặc dù đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua và đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2017 - 2020, nhưng cho đến cuối tháng 3.2021, công trình này mới chỉ làm xong... một căn lán giữa rừng và khoan được 40%/3.885 m tổng chiều dài tuynel 2! Các hạng mục chính như đập bê tông, đập đất vẫn chưa thể triển khai do vướng mặt bằng.
Một trong những trở ngại lớn nhất của hồ Sông Chò 1 này là toàn bộ mặt bằng thi công các hạng mục chính của công trình đều rơi vào diện tích rừng tự nhiên và một ít rừng trồng. Thống kê của chủ đầu tư công trình (Ban 7, Bộ NN-PTNT), có đến 411 ha rừng bị ảnh hưởng bởi công trình này với khoảng 9.000 m3 gỗ nhóm 4 và 688 m3 củi.
Tháng 8.2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện hồ Sông Chò 1. Khâu quan trọng nhất đã được gỡ nút thắt. Tuy nhiên, các thủ tục để bàn giao mặt bằng vẫn chậm nên công trình có thể trễ 2 năm hoặc lâu hơn nếu việc xử lý số diện tích rừng vẫn chưa thực hiện. Theo kiến nghị của chủ đầu tư, trước mắt tỉnh Khánh Hòa cần có sự chỉ đạo để chủ rừng giao sớm 91 ha thuộc cụm đầu mối công trình để có mặt bằng thi công vì mùa mưa cũng sắp bắt đầu ở vùng rừng này. Nếu vẫn giậm chân tại chỗ như hai năm qua, công trình chống hạn vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, lớn nhất Khánh Hòa, có nguy cơ trễ hẹn thêm nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.