Kéo dài thời gian giãn thuế cho doanh nghiệp

Thanh Xuân
Thanh Xuân
20/07/2021 06:31 GMT+7

Doanh nghiệp còn khoảng 10 ngày nộp giấy đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 theo Nghị định 52/2021 của Chính phủ.

Tác động mạnh hơn, nhưng hỗ trợ ít hơn

Theo Tổng cục Thuế, đơn vị này đến nay đã nhận 64.743 đơn đề nghị gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất với tổng giá trị là 35.247 tỉ đồng, tăng hơn 14.000 tỉ đồng so với cuối tháng 5 - khoảng 21.000 tỉ đồng (trong đó thuế GTGT là 10.600 tỉ đồng, TNDN là 6.000 tỉ đồng; tiền thuê đất là 4.100 tỉ đồng; thuế GTGT và TNCN của hộ kinh doanh 300 tỉ đồng). Thế nhưng, con số 35.247 tỉ đồng tiền thuế được gia hạn vẫn còn xa so với mức dự kiến 115.000 tỉ đồng mà Bộ Tài chính đã tính toán trước đó - khi ban hành Nghị định 52 vào tháng 4, trước thời điểm đợt dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Cần có một gói hỗ trợ cho vay đối với DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, để họ trả lương nhân viên với cam kết là họ không sa thải nhân viên trong giai đoạn giãn cách xã hội
Ông Hồ Quốc Tuấn giảng viên cao cấp chuyên ngành kế toán và tài chính tại Đại học Bristol (Anh)
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 70.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Con số cho thấy mức độ tàn phá của dịch với hoạt động kinh tế của cộng đồng DN.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội DN trẻ Việt Nam, cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết đơn vị hiện chỉ cầm chừng. Các DN có cơ sở hoạt động ở các khu vực bị giãn cách xã hội thì gần như không đáp ứng được điều kiện bố trí chỗ ở cho người lao động tại chỗ nên đã đóng cửa, giảm chi phí lương từ 50 - 70%…
“Cộng đồng DN đã chịu ảnh hưởng khá nặng nề trong đợt dịch lần thứ 4 này nên cần tăng thêm thời gian giãn thuế đến cuối năm đối với những khoản phải nộp trong tháng 7 này”, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận định dù chưa có thống kê con số DN thiệt hại ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 4, nhưng nhìn qua ai cũng có thể thấy được sức ảnh hưởng tiêu cực quá nặng nề của đợt dịch lần này so với trước đó và năm 2020. Các DN, đặc biệt tại TP.HCM, đã phải tạm ngưng sản xuất kinh doanh trong những tháng qua, nên cần có chính sách khẩn cấp hỗ trợ DN để kịp đưa vào kỳ họp Quốc hội cuối tháng 7 này. Bởi việc giãn thuế theo Nghị định 52 thời gian quá ngắn, chỉ 5 tháng. Trong khi dịch Covid-19 bùng phát suốt mấy tháng nay, nên DN không có doanh thu để đóng thuế GTGT, không có thu nhập và bị lỗ thì cũng không đóng được thuế TNDN. Theo quy định đến cuối tháng 7, các DN phải nộp thuế cho khoản đã được gia hạn quý 1 và nếu Quốc hội quyết sớm áp dụng ngay thì các DN này sẽ có thêm nguồn vốn cầm cự sau dịch.
Ông Trần Xoa so sánh trong khi dịch năm nay tác động mạnh hơn, trầm trọng hơn thì chính sách hỗ trợ DN về thuế năm 2021 không nhiều bằng năm 2020. Không những thời gian ngắn hơn mà các DN không được hỗ trợ giảm 30% thuế TNDN. Đến thời điểm hiện tại, nhiều DN phải “thở ô xy cầm cự”. DN sản xuất thì tê liệt, không những gặp khó khăn trong việc bố trí sản xuất mà còn đối mặt với chi phí hàng hóa gia tăng. Thật ra, giãn thuế thì trước sau gì DN cũng phải nộp, nên cần sớm quyết nhanh và tăng thêm độ mạnh để hỗ trợ DN.

Kiến nghị gia hạn thuế qua năm 2022

Ông Trần Xoa đề xuất việc gia hạn thuế và tiền sử dụng đất có thể kéo dài đến ngày 30.6.2022 hoặc xa hơn là 31.12.2022. Bởi dự kiến đến cuối năm 2021 và đầu 2022, việc tiêm vắc xin cho toàn dân mới thực hiện xong, lúc này hoạt động sản xuất kinh doanh có thể trở lại. Đồng thời, cho thực hiện giảm thuế TNDN 30% áp dụng từ nay cho đến cuối năm 2021. Mức giảm này đối với nhà nước không lớn vì số DN lỗ và tê liệt cũng nhiều rồi, chỉ có những DN còn lãi thì cũng nên để cho họ có thêm sức bật trở lại. Đối tượng giảm cũng nên chiếu theo ngành nghề bị ảnh hưởng mạnh do dịch Covid-19 gây ra, như sản xuất, xuất khẩu. Còn ngân hàng, chứng khoán có lãi quá nhiều thì không thể giảm được. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2021, cơ quan chức năng cũng nên tính đến việc giảm thuế GTGT từ thuế suất 10% xuống 5% để hỗ trợ người tiêu dùng.
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) mới đây, hơn 91% hiệp hội đề xuất Chính phủ tiếp tục xem xét các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho DN tới hết 2022 (như thuế đất, tiền thuê đất, thuế TNDN, các khoản phí đặc thù từng ngành...). Đồng thời có các chính sách kích cầu tiêu dùng trong một số ngành cụ thể. Chẳng hạn chính sách giảm phí trước bạ 50% cho người mua ô tô từ tháng 7.2020 đến hết năm 2020 đã kích thích hiệu quả tiêu dùng trong nước. Các DN mong rằng từ nay đến hết 2022 sẽ không áp dụng thêm các chính sách mới làm tăng chi phí cho DN hoặc tăng ngân sách đầu tư mới các hạng mục nhằm đáp ứng các yêu cầu điều kiện kinh doanh, quy trình, thủ tục hành chính của nhà nước.
Quan điểm giãn thuế là khoản vay không tính lãi của nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai, ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp chuyên ngành kế toán và tài chính tại Đại học Bristol (Anh), nhận xét điều này là đúng nhưng chưa đủ. DN hiện còn hoạt động sản xuất kinh doanh mới có thuế nộp để được giãn ra, nhưng trong đợt dịch Covid-19 lần này, thì cần có một gói hỗ trợ cho vay đối với DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, để họ trả lương nhân viên với cam kết là họ không sa thải nhân viên trong giai đoạn giãn cách xã hội. Gói hỗ trợ này nhiều nước làm, một số nước cho không, một số nước cho vay không lãi và trả lại sau 18 tháng cũng như có cơ chế gia hạn, xóa nợ. Đây là gói rót trực tiếp từ ngân sách ra, không quan tâm rủi ro khoản vay, nên không cần thẩm định rủi ro. Thủ tục cần đơn giản, điều kiện cho vay cực kỳ đơn giản, miễn là đủ điều kiện về quy mô DN và chứng minh không sa thải lao động.
Khoảng 87,2% DN được khảo sát trong báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra DN năm 2020”, của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố vào tháng 3.2021, cho rằng bị ảnh hưởng nghiêm trọng tiêu cực bởi Covid-19. Những ảnh hưởng chủ yếu là DN gặp trở ngại khi tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn trong quản trị lao động. Số lao động bị cho nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động và ảnh hưởng nhiều hơn đến các DN tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ.
Theo ông Hồ Quốc Tuấn, điểm thiếu của VN không ở chỗ giãn thuế mà ở chỗ không có một gói chi cho vay trả lương nhân viên để giữ lại nhân viên bị giãn việc và mất công việc tạm thời. Một số nước triển khai gói này giúp nhiều DN khôi phục sản xuất lại ngay sau dịch. “Nhiều nước làm vậy mà còn bị đứt gãy sản xuất sau khi mở cửa lại. DN Việt “chết” nhiều, đội ngũ lao động tứ tán thì sau dịch Covid-19, DN quay lại vận hành sản xuất kinh doanh lại phải mất mấy tháng tuyển lại đội ngũ làm lại từ đầu, sẽ xuất hiện đứt gãy sản xuất tạm thời. Đứt gãy sản xuất là một trong các nguyên nhân chính kéo giá cả nhiều nước lên cao như hiện nay nên giảm đứt gãy sản xuất sẽ giảm rủi ro giá cả đầu vào tăng cao sau dịch”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.