Ngay sau khi biết tin Singapore đã cấp phép cho thiết bị xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới, Tập đoàn Vingroup đã liên hệ mua 30 máy tặng cho Bộ Y tế.
Tầm vóc doanh nghiệp Việt
Tại buổi tiếp nhận 30 máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở và vật tư xét nghiệm 2 triệu mẫu test ngày 4.6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ đồng hành của Vingroup cho hoạt động phòng, chống dịch của ngành y tế trong hơn 1,5 năm qua để cùng ứng phó với đại dịch, cũng như trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung.
Việc tặng 30 máy xét nghiệm và vật tư xét nghiệm có tổng giá trị hơn 460 tỉ đồng, tương đương 20 triệu USD được tiến hành chỉ sau khoảng chưa đầy 1 tháng Vingroup công bố tặng 4 triệu liều vắc xin cho chương trình phòng chống dịch của Chính phủ, trị giá khoảng 1.800 tỉ đồng. “Gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã để lại nhiều ảnh hưởng về kinh tế, xã hội toàn cầu. Tập đoàn Vingroup sẽ luôn sát cánh cùng Bộ Y tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch và coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ”, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup nhấn mạnh.
Vingroup luôn cho thấy mình xứng đáng là con chim đầu đàn khi đất nước gặp khó khăn. Tập đoàn đã hỗ trợ khẩn cấp hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, tâm điểm của đợt tái dịch lần này, các trang thiết bị y tế với giá trị khoảng hơn 30 tỉ đồng; tài trợ 20 tỉ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng Covid-19 “Made in Vietnam” Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC, trực thuộc Bộ Y tế) sản xuất, tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19... Tính từ đầu dịch đến nay, số tiền Vingroup hỗ trợ công tác phòng, chống dịch đã lên đến gần 4.000 tỉ đồng.
“Đó là sự nỗ lực và tâm huyết rất lớn của người đứng đầu tập đoàn. Bởi cũng như tất cả DN trên thế giới và trong nước, Vingroup cũng bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh, nhất là mảng du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm... Nhưng quan trọng nhất lúc này là chung tay, góp sức cùng Chính phủ chống dịch”, một lãnh đạo tập đoàn chia sẻ.
Hôm qua, Tập đoàn Tuần Châu cũng ủng hộ 210 tỉ đồng cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19, trong đó 100 tỉ đồng là tiền túi của ông Đào Hồng Tuyển, ông chủ tập đoàn. “Dịch bệnh bùng phát 2 năm nay, bản thân tập đoàn cũng hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, trước thảm họa đại dịch toàn cầu, mình cần phải có tấm lòng và trách nhiệm, góp chút công sức vì sức khỏe mọi người, vì cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc và với tinh thần đoàn kết quốc tế để chung tay đẩy lùi đại dịch”, ông Tuyển nói.
Hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch, Tập đoàn Sun Group bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong suốt gần 2 năm qua. Thế nhưng nhà phát triển du lịch hàng đầu Việt Nam vẫn cho thấy trách nhiệm lớn với đất nước. Trong đợt dịch này, Sun Group đã hỗ trợ hơn 120 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch của Chính phủ. Mới nhất, chỉ sau 5 ngày, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng có quy mô 101 giường bệnh với trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay đã được Sun Group bàn giao cho tỉnh Bắc Giang.
|
|
Bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group, nói đơn giản: “Là những người con VN, Sun Group mong muốn góp một cánh tay để chia sẻ khó khăn với Bắc Giang. Chúng tôi hy vọng rằng sự chia sẻ, đóng góp nhỏ bé này sẽ góp phần tiếp sức cho Bắc Giang khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Đồng thời lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, để người dân, DN cả nước cùng đồng lòng vượt qua dịch, VN sẽ tiếp tục chiến thắng”.
Tại lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 hôm qua, Tập đoàn Novaland đóng góp 100 tỉ đồng nhằm chung tay hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ: người Việt được tiếp cận vắc xin nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất. Trước đó, Novaland cũng đã dành hàng trăm tỉ đồng cho tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra còn có các DN khác đóng góp lớn cho quỹ như Hòa Phát ủng hộ hàng trăm tỉ đồng, Viettel 450 tỉ đồng, VNPT 400 tỉ đồng, MobiFone 200 tỉ đồng, Tập đoàn Bảo Việt nhân thọ 30 tỉ đồng, Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam 23,2 tỉ đồng; Tập đoàn Đất Xanh và Công ty CP VNG 20 tỉ đồng; Vinamilk 10 tỉ đồng...
Hành động xả thân vì đất nước
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành nói rằng hành động của các DN khiến ông cảm kích và xúc động. Điều đó cho thấy văn hóa từ thiện, chia sẻ vì cộng đồng của DN Việt đang nâng tầm cao mới, xuất phát từ tâm thế “giàu có” hơn. “Trong đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020, những DN lớn đã tiên phong trong việc chung tay góp sức cùng Chính phủ để cung cấp nhiều thiết bị vật tư y tế cho cả nước, rồi lắp ráp cả bệnh viện dã chiến... Đó là hành động xả thân vì đất nước, không còn là câu chuyện đóng góp, hỗ trợ nữa. Họ chi hàng triệu đô la, mua máy thở, máy xét nghiệm nhanh nhất có thể. Họ đặt vị trí, vai trò, trách nhiệm với cộng đồng lên trên hết. Đợt này cũng vậy, dịch bùng phát nguy hiểm hơn, cách người dân, DN đóng góp tiền để Chính phủ mua vắc xin rất cảm động. Có thể trong số những người dân chắt chiu vài trăm ngàn đến ủng hộ đó, họ đang chạy gạo từng bữa. Theo tôi, đây là chương trình rất lớn, ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn và khiến tinh thần của người dân lẫn Chính phủ tốt hơn trong đại dịch”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, GS Võ Tòng Xuân nhận xét tinh thần hỗ trợ cộng đồng, xã hội có truyền thống từ thời ông cha ta. Thế nên, việc hưởng ứng từ người dân đến DN đóng góp vào quỹ vắc xin của Chính phủ khiến ông thấy tự hào là người VN. “Khi đại dịch Covid-19 ập đến, từ DN nhỏ hay lớn đều gặp khó khăn. Nên việc bỏ ra cả chục, trăm tỉ, thậm chí vài ngàn tỉ đồng của các DN này là quá lớn. Mong lắm thay đây sẽ là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới, từng bước khôi phục kinh tế. Bởi hiện các nước ở châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha hay Pháp có tỷ lệ tiêm vắc xin cao nên đã mở cửa hoạt động trở lại bình thường. Cơ hội để xuất khẩu nhiều hàng hóa của VN như thủy sản, dệt may, da giày... cũng từ đây”, GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Khi dịch Covid-19 diễn ra, các DN đều xác định vấn đề phòng chống dịch bệnh không phải của riêng Chính phủ mà là việc chung của toàn xã hội. Bởi chỉ khi kiểm soát được dịch bệnh thì DN mới phát triển, kinh tế phát triển. Tôi tin rằng với những hợp đồng mua vắc xin đã đạt được thỏa thuận thì có thể trong cuối quý 3 và chậm nhất đến cuối năm nay, tình hình dịch bệnh tại VN có thể được kiểm soát tốt hơn. Sau đó kinh tế ổn định phát triển và các DN cũng hoạt động mạnh trở lại.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
|
Một điểm mới mà các chuyên gia cho hay khi đóng góp của người dân, DN đều chuyển thẳng về cho Bộ Tài chính - đơn vị quản lý tiền của nhà nước. Từ đó mọi người dân đều có thể sẽ được tiêm vắc xin và tạo ra sự công bằng. Đặc biệt, việc nhiều DN trước đó không cần lời kêu gọi của nhà nước đã cùng chia sẻ, đóng góp bằng nhiều hoạt động đã thể hiện tính chủ động cần có trong hoạt động của mình. “Nếu không có vắc xin, cứ hết địa phương này bị giãn cách đến địa phương khác bị cô lập thì kinh tế sẽ kiệt quệ. Bản thân các DN cũng thể hiện tính chủ động trong nền kinh tế thị trường. Khi anh bỏ ra một khoản chi phí trước để giải quyết những khó khăn của mình thì sẽ nhận được kết quả cao sau đó. Ví dụ với nhiều DN, khi người dân bị buộc ở nhà thì giảm chi tiêu, không đi du lịch thì DN cũng bị thiệt hại nặng nề. Nếu có vắc xin, người dân được ra khỏi nhà thì sản phẩm, hàng hóa sẽ bán chạy hơn. Tôi cho rằng đó là cái kết tốt đẹp mà những hoạt động hôm nay của DN đã cùng chung tay với Chính phủ phòng chống dịch Covid-19”, GS Võ Tòng Xuân nói.
Bình luận (0)