Không khuyến khích đầu tư bất động sản ra nước ngoài

Đình Sơn
Đình Sơn
06/09/2019 06:38 GMT+7

Dự án luật Đầu tư (sửa đổi) của Bộ Kế hoạch - Đầu tư không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản .

Lo ngại dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước, dự án luật Đầu tư (sửa đổi) của Bộ Kế hoạch - Đầu tư không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) lại cho rằng, việc hạn chế này đi ngược thị trường và không cần thiết.

Đem ngoại tệ, đối tác về VN

Bộ lo xa quá !


Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư lấy lý do đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực BĐS sẽ dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước là lo xa quá. Bởi khi người dân, DN đã đầu tư ra nước ngoài bằng con đường “chính ngạch”, chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát dòng tiền. Chưa kể đất nước phát triển như Mỹ, những nước người VN muốn định cư cũng kiểm soát khá chặt chẽ dòng tiền, thuế. Chỉ có những trường hợp chuyển tiền lậu ra nước ngoài để đầu tư, mua BĐS mới tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước. Đây mới là “kênh” cần phải kiểm soát chặt.
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Thuduc House, đang đầu tư bất động sản (BĐS) tại nước ngoài, cho rằng việc đầu tư ra nước ngoài, trong đó có lĩnh vực BĐS là chuyện bình thường trong cơ chế thị trường nói chung bởi đây là cơ hội kinh doanh, cơ hội phát triển của DN. Quan trọng là đầu tư chính thống, phải thông qua các quy trình quản lý, luật pháp của nhà nước ta và phù hợp luật pháp của nước sở tại. Khi hoàn nhập hay thu về các khoản mục đầu tư ở nước ngoài thì phải làm nghĩa vụ thuế, tài chính rõ ràng với cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành thuế. “Khi đầu tư ra nước ngoài, chúng ta không những chỉ đem tiền trong nước đi đầu tư mà đôi khi còn mang về những đối tác khác cùng liên kết và đầu tư ngược lại ở VN, mang ngoại tệ về cho đất nước. Điển hình tại Thuduc House trong các mảng kinh doanh đều có liên doanh, liên kết với các DN nước ngoài”, ông Hoàng phân tích.
Còn theo bà Nguyễn Vũ Thiên Diễm, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, hiện nay thị trường BĐS trong nước gặp khó khăn, nhiều DN cũng tìm đường đầu tư ra nước ngoài, nhiều nhất là Mỹ. Đầu tư ra nước ngoài không có đột phá về lợi nhuận như ở VN nhưng ưu điểm là ổn định. Các nước đều khuyến khích các DN, người nước ngoài đầu tư vào nước họ, trong khi chúng ta lại hạn chế cũng có nghĩa quyền tự do kinh doanh của DN nội bị co hẹp. “Nếu luật sở tại không cấm mà mình cấm thì đó là gây khó khăn cho công dân, DN Việt. Hiện nay VN đã gia nhập WTO, các DN đầu tư ra nước ngoài cũng mong muốn có lợi nhuận, mang tiền về nước chứ không ai muốn làm ăn thua lỗ, để mất vốn. Điển hình là Việt kiều sau những năm tích lũy, rất nhiều người cũng mang ngoại tệ về VN đầu tư. Tập đoàn Thiên Minh hiện đang kinh doanh tại Mỹ khá hiệu quả trong lĩnh vực BĐS. Đây cũng là một thế mạnh đễ hỗ trợ Thiên Minh kinh doanh trong nước. Chúng ta chỉ cần quản lý tốt về thuế, hậu kiểm là ổn, không nên gây khó khăn thêm”, bà Diễm phân tích.

Cơ hội ra biển lớn

Theo chuyên gia BĐS Phan Công Chánh, việc hạn chế người dân, DN đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực BĐS là một bước lùi trong tiến trình hội nhập và ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, tự do sở hữu nhà ở của người dân tại nước ngoài. Thực tế chỉ những DN đã có tiềm lực trong nước mới dám đầu tư ra nước ngoài, vươn ra biển lớn. Như trường hợp Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khi đầu tư mạnh qua Malaysia, Lào, Campuchia… Tại những nước này, không chỉ thương hiệu DN mà hình ảnh của đất nước cũng được quảng bá. Cá nhân hay DN có nhu cầu định cư hay mở rộng đầu tư ra nước ngoài là chính đáng. Cấm cản hay hạn chế sẽ phát sinh làm chui và khi đó việc kiểm soát sẽ khó khăn hơn, ngoại tệ thất thoát sẽ nhiều hơn.
“Đầu tư ra nước ngoài không phải làm thất thoát nguồn lực đất nước, vì kinh doanh hiệu quả họ còn mang ngoại tệ về lại VN. Đây cũng là cơ hội để thể hiện DN Việt thịnh vượng, thể hiện được sự hội nhập sâu rộng của VN, đưa hình ảnh đất nước, con người và trí tuệ Việt vươn tầm thế giới. Nhưng cũng cần đưa ra các cơ chế, rào cản để hạn chế tín dụng đen chuyển ra nước ngoài bằng con đường tiểu ngạch. Cần phân định các trường hợp để quản lý cho hiệu quả chứ không nên quy định chung chung”, ông Chánh phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.