Lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp

Chí Hiếu
Chí Hiếu
09/08/2021 05:44 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp với phương châm “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.

Hôm qua (8.8), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp (DN), các hiệp hội DN và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Dự hội nghị cùng Thủ tướng tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các phó thủ tướng; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan liên quan; đại diện các hiệp hội DN, các DN tư nhân, DN nhà nước và DN có vốn nhà nước. Dự hội nghị tại đầu cầu UBND 63 tỉnh, thành phố có bí thư tỉnh/thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan và 1.200 DN trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Màu xám loang nhanh

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận “những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực DN”. Các DN vốn đã bị tổn thương lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần và DN đối diện với nhiều khó khăn.
Khó khăn thứ nhất là tổng cầu giảm mạnh khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40 - 50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, du lịch, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70 - 80%. “Tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn hàng hóa tại một số cảng biển quan trọng như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải thời gian qua đã phản ánh bản chất do tình trạng đình trệ sản xuất chứ không phải tắc nghẽn do hạ tầng hay do điều hành giao thông. Nhu cầu giảm, DN giảm sản lượng, quy mô, do đó nguyên liệu nhập về chưa thể đưa vào sản xuất nên tạm dùng kho cảng làm kho của DN”, ông Dũng dẫn chứng.
Khó khăn lớn thứ hai là doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Trong đó, ngành du lịch không phát sinh doanh thu. Điều này kéo theo khó khăn dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng, khiến DN rất chật vật để có thể trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì sản xuất. Trong khi đó, DN vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, trả lãi các khoản vay ngân hàng đúng hạn. Đặc biệt, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu.

Hỗ trợ doanh Nghiệp duy trì sản xuất hơn hỗ trợ tiền

Tại hội nghị, bên cạnh phản ánh các khó khăn, nhiều DN, hiệp hội đã dành thời gian để đóng góp sáng kiến thiết thực và được lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao, có thể áp dụng tới đây.
Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc cho rằng hỗ trợ hay gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này chính là tìm mọi cơ hội có thể, thiết lập vùng xanh, vùng hẹp để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho DN có thể duy trì được sản xuất.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, đề nghị với những địa bàn đã qua 14 - 24 ngày không có ca nhiễm mới cần cho DN được mở cửa hoạt động, kêu gọi người lao động vào làm việc và DN tự chịu trách nhiệm áp dụng mô hình sản xuất gắn với phòng, chống dịch.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết điểm đáng lưu ý trong những kiến nghị mà các DN gửi về đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc. “Tính công minh và thái độ phục vụ, sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là hỗ trợ bằng tiền”, ông Dũng nói.

Lập Tổ công tác đặc biệt

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhắc lại, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chuyển từ phòng ngự sang tấn công, chúng ta đặt mục tiêu cao nhất là không để xảy ra khủng hoảng y tế; không để xảy ra khủng hoảng kinh tế xã hội; phấn đấu cao nhất đưa đất nước trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất, chậm nhất là cuối năm 2021 đầu năm 2022. Để làm được điều này, theo Thủ tướng, chúng ta phải thực hiện thật tốt phòng, chống dịch Covid-19, trong đó phải chống lây nhiễm, phải giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm. “Chúng ta quyết tâm hy sinh một hai tháng để xanh hóa vùng đỏ; chấp nhận mất mát hy sinh, đổi lại có sự bình yên, khỏe mạnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện cộng đồng DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ VN trong hoạt động đồng hành cùng DN; cho rằng những khó khăn mà DN phản ánh đã được Chính phủ, các cơ quan chức năng VN xử lý, giải quyết rất kịp thời. Những nội dung mà Chính phủ VN cam kết với các DN FDI được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, theo đúng cam kết.
Cộng đồng DN FDI mong muốn Chính phủ VN tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa chiến lược vắc xin phòng Covid-19; quan tâm, bảo đảm ngày càng có nhiều lao động ở khu vực DN FDI được tiêm; duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các DN FDI; tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào VN trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh…
Thủ tướng đánh giá cao cộng đồng DN nỗ lực duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm. Đồng thời chia sẻ với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ, đặc biệt là hàng không, du lịch... Theo Thủ tướng, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của DN trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ DN về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

Sáng 9.8: Cả nước 5.155 ca Covid-19, riêng TP.HCM 2.349 ca

Ở chiều ngược lại, Thủ tướng mong muốn các hiệp hội, DN cùng chia sẻ với nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn. Các DN cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với cú sốc cả bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững. Thủ tướng cho biết sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN. Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin, trong đó phải thúc đẩy hợp tác công - tư, đẩy mạnh tiêm vắc xin theo thứ tự ưu tiên không phụ thuộc địa giới hành chính. Bộ KH-ĐT tiếp tục nắm tình hình, tham mưu giải pháp kịp thời về tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế xã hội. Bộ Tài chính khẩn trương triển khai giải pháp miễn giảm thuế, phí, nhanh chóng hỗ trợ người dân và DN. Các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, bảo đảm cho DN duy trì sản xuất, kinh doanh. Hạn chế tối đa thanh kiểm tra DN trong thời kỳ dịch bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.