Đó là những thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Xung đột tính pháp lý trong đầu tư xây dựng" do Báo Đầu tư Tài chính tổ chức.
Dừng, ngâm, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), hiện nay hệ thống luật pháp liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng rất nhạy cảm, được ví như “mớ bòng bong”. Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh cho DN. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian vừa qua, VCCI thu thập, hệ thống lại, làm rõ những điểm chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật. VCCI đã có báo cáo nhanh gửi Thủ tướng Chính phủ về 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu.
Trong đó có thể kể đến là xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa luật Đầu tư và luật Nhà ở, xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa luật Đầu tư, luật Đấu thầu và luật Đất đai, xung đột về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng giữa luật Xây dựng, luật Nhà ở và luật Đầu tư. Ngoài ra có sự chồng chéo thủ tục xin phép chuyển nhượng dự án bất động sản giữa luật Đầu tư và luật Kinh doanh bất động sản. Không thống nhất về quyền chuyển nhượng dự án bất động sản giữa luật Đầu tư, luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở và luật Đất đai... Thực trạng trên đang làm DN mất động lực, cơ quan nhà nước lúng túng trong việc thực hiện. Từ đó xảy ra tình trạng: dừng - ngâm - đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết hồ sơ cho DN.
“Cán bộ thụ lý, giải quyết hồ sơ không biết phải thực hiện theo quy định nào mới đúng. Tâm lý sợ sai, không dám làm, dám chịu trách nhiệm, tốt nhất là xin ý kiến cấp trên, dồn việc cho chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đây chính là điểm nghẽn lớn cho cả nền kinh tế. Việc chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua là thí dụ điển hình”, ông Tuấn nói và cho biết thêm hiện tồn tại tình trạng “loạn sứ quân” giữa các quy định pháp luật của các bộ, khiến 1 luật mỗi địa phương thực hiện 1 kiểu, còn các cơ quan thực thi chính sách lúng túng, bị động khi phải giải quyết công việc cho DN.
Nhiều quy định nhìn trong 1 bộ, ngành thấy ổn, nhưng nhìn toàn diện lại thấy bất ổn. Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu do pháp luật VN hiện trong tình trạng bị phân mảng, chưa phải là hệ thống đồng bộ, minh bạch. Có người gọi đây là hiện tượng “pháp luật cục bộ”.
Thêm vào đó, hiện thiếu một một cơ chế phù hợp, một cơ quan trung gian đủ mạnh để thúc đẩy rà soát và có tiếng nói phản biện đủ khách quan và độc lập để tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi để khắc phục và ngăn chặn những chồng chéo, xung đột trong quá trình xây dựng và sửa đổi pháp luật. Hiện nay, việc giải quyết xung đột, chồng chéo chủ yếu phụ thuộc vào việc tranh luận và thỏa hiệp giữa các bộ ngành trong quá trình soạn thảo.
Theo GS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, các quy định của các bộ, ngành hiện giống như “cài bẫy nhau”, thực hiện theo quy định của bộ này sẽ vi phạm quy định của bộ kia và ngược lại.
"Vứt" ngay luật "đá" nhau
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra vướng mắc lớn nhất đối với lĩnh vực bất động sản hiện nay khi thực hiện dự án là đất ở và đất xen cài. Trong khoảng 3 năm gần đây, UBND TP.HCM đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư cho khoảng 130 dự án có quỹ đất hỗn hợp, nhưng đang bị coi là vẫn chưa đảm bảo đúng các thủ tục hành chính, gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư dự án. Tại các dự án, quỹ đất rạch, bờ đất, đường do Nhà nước quản lý, xen cài trong đất dự án nhà ở thương mại, thường chiếm tỷ lệ trên dưới 10% diện tích.
Do đó, cần có cơ chế để xử lý tất cả các trường hợp đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án để sớm giải quyết ách tắc này, không cần phải xin chủ trương đối với từng trường hợp một như hiện nay. Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giải quyết khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của các khái niệm pháp luật để đảm bảo tính hệ thống, sự liên thông và giải quyết ách tắc của thị trường bất động sản hiện nay. Cần chỉ định nhà đầu tư hoặc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã có quỹ đất hỗn hợp do tự thương lượng giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng đất ở, đất nông nghiệp, trong đó, có xen cài khoảng trên dưới 10% đất rạch, bờ đất, đường... do Nhà nước quản lý, nằm trong kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở, mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu dự án, hoặc đấu giá đất để lựa chọn chủ đầu tư.
Đối với phần diện tích đất rạch, bờ đất, đường... trong dự án do Nhà nước quản lý, Chính phủ quy định tỷ lệ hoán đổi đất đã có hạ tầng của dự án để chủ đầu tư giao lại cho UBND cấp tỉnh để quản lý, sử dụng hoặc bán đấu giá, đảm bảo không làm thất thoát tài sản Nhà nước. Tỷ lệ hoán đổi này có thể khoảng trên dưới 15% hoặc hơn, do Chính phủ quy định.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng về nguyên tắc, luật ban hành sau được ưu tiên so với luật ban hành trước. Nhưng trên thực tế, bộ ngành nào khi giải quyết công việc cũng thường viện dẫn luật của bộ ngành mình. Việc xử lý của cơ quan thanh kiểm tra cũng thường thiếu nhất quán, nên hiện tượng né tránh, sợ sai, lo an toàn cho mình và đẩy khó khăn về phía người dân và DN vẫn khá phổ biến. Nhiều nghị định sau luật, nhưng “đá” nhau với luật ra trước. Do đó, theo ông Võ, “nên vứt ngay nghị định đó” để không làm khổ DN, người dân.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cần phải có luật “hài hòa hóa” các quy định của nhiều luật mới giải quyết được xung đột giữa các luật hiện nay. Thực tế, VCCI được giao xây dựng dự thảo nghị định “hài hòa hóa” các quy định của nhiều luật, nhưng thất bại vì không được thông qua. Vì thế, các luật đang sửa nếu không giải quyết được tận gốc những xung đột, chồng chéo, khi có hiệu lực, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
Bình luận (0)