Nên xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách

02/09/2019 09:17 GMT+7

Mới đây, Sở TT-TT TP.HCM trình UBND TP đề án hệ thống camera giám sát đô thị (giai đoạn 2019 - 2025) với số lượng ước tính 10.000 camera, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.600 tỉ đồng.

Việc triển khai đề án này là rất cần thiết. Bởi khi TP chuyển mình thành đô thị thông minh không thể thiếu “mắt thần” giám sát an ninh trật tự, giao thông, đô thị, môi trường... Đặc biệt trong giám sát an ninh trật tự, hệ thống camera đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian qua, công tác an ninh trật tự, trấn áp tội phạm đều có sự trợ giúp hiệu quả của “mắt thần”.
Bên cạnh đó, đề án ngoài việc phủ sóng 10.000 camera ở những vị trí quan trọng, xung yếu của TP còn làm nhiệm vụ rà soát, hệ thống, lập dữ liệu toàn bộ số camera đã được lắp đặt trước đó để khi cần mà sử dụng...
Sự quan trọng của hệ thống camera giám sát không phải bàn cãi. Song để triển khai 10.000 “mắt thần” là điều không dễ dàng. Có rất nhiều vướng mắc về nguồn lực, quy định pháp luật, nhưng khó khăn lớn nhất chính là tổng vốn đầu tư quá lớn. Hiện đề án đang đề xuất từ ngân sách, nhưng có lẽ cần tính toán đến việc kêu gọi đầu tư từ phía doanh nghiệp và người dân. Một chuyên gia tham dự xây dựng đề án cho hay, ở nước ngoài có mô hình nhà nước vẫn có thể tận dụng camera mà... không dùng nhiều đến nguồn ngân sách. Theo đó, nhà nước vạch ra mô hình rồi đấu thầu, giao cho doanh nghiệp đầu tư. Số tiền thu được trong quá trình khai thác hệ thống camera (xử phạt nguội giao thông, trật tự đô thị...) sẽ trả lại cho doanh nghiệp. Cách làm này tương đối phù hợp với TP bởi mỗi năm số tiền xử phạt giao thông rất lớn; chỉ riêng quý 1/2019 đã lên tới gần 30 tỉ đồng.
Xã hội hóa không chỉ giảm gánh nặng ngân sách, mà qua đó còn nâng cao trách nhiệm xã hội đối với một dự án, vấn đề quan trọng. Khi đó, có lẽ chính quyền chỉ cần “nắm”, đầu tư những khâu thiết yếu như vấn đề an ninh, bảo mật…, những khâu còn lại mời gọi doanh nghiệp và người dân cùng tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.