Bộ Tài chính cho biết, cơ sở Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.
Bộ Tài chính khẳng định, đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, chứ không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp.
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. Theo Bộ này, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
|
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh Moody’s chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ mà bỏ qua các nỗ lực Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô là chưa thực sự thuyết phục. Việc tổ chức này đưa ra thông tin báo chí trong khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ, và có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Bộ Tài chính mong Moody’s sớm có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về vấn đề trên và sẵn sàng trao đổi, làm việc và cung cấp thông tin cho Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác để đảm bảo có thông tin đầy đủ và chuẩn xác”, thông báo nêu rõ.
Trước đó, Moody’s cho biết đã nhận được thông tin Chính phủ Việt Nam hoãn thanh toán một số nghĩa vụ nợ. Dù các chủ nợ sẽ gần như không thiệt hại hoặc chỉ thiệt hại tối thiểu, song khoảng trống về điều tiết khiến việc thanh toán bị chậm lại có thể phản ánh mức tín nhiệm hiện tại không còn tương thích với mức xếp hạng Ba3 (có rủi ro tín dụng).
Moody’s cho biết việc hoãn thanh toán cho thấy điểm yếu về thể chế. Những điểm yếu này dường như phản ánh khoảng trống về điều tiết và lập kế hoạch giữa các cơ quan trong Chính phủ, cũng như thủ tục hành chính phức tạp cản trở việc thanh toán kịp thời và suôn sẻ.
Dù việc Việt Nam có dự trữ ngoại hối lớn và nghĩa vụ nợ thấp cho thấy đủ khả năng trả nợ, quá trình xem xét sẽ giúp Moody’s chắc chắn liệu điểm yếu thể chế vừa bộc lộ này có làm tăng rủi ro lỡ hẹn thanh toán trong tương lai hay không. Moody’s sẽ làm rõ bản chất và tính hiệu quả của các biện pháp và quá trình mà Chính phủ đã và đang thực hiện để đảm bảo thanh toán kịp thời, đầy đủ với tất cả nghĩa vụ nợ.
Dù vậy, hồ sơ tín nhiệm của Việt Nam vẫn sẽ được củng cố nhờ tiềm năng tăng trưởng mạnh. Khi không có các cú sốc kinh tế lớn hoặc nợ bất chợt, Moody’s dự báo nợ của Việt Nam vẫn ổn định, dưới 50% GDP. Trong khi đó, dù sức khỏe tài chính của các nhà băng đã cải thiện gần đây, hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn rủi ro chính với Việt Nam.
Moody’s cũng đề cập đến các rủi ro về môi trường và quản trị với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Hãng đánh giá quá trình cải tổ doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đang diễn ra khá chậm chạp. Moody’s sẽ hạ tín nhiệm của Việt Nam nếu quá trình xem xét kết luận khoảng trống về hành chính vẫn tồn tại và gây ra rủi ro về việc chậm trả nợ trong tương lai.
Ngược lại, họ sẽ giữ nguyên nếu tìm được bằng chứng rằng các biện pháp rõ ràng và hiệu quả được thực hiện, tạo ra sự tự tin rằng tất cả khoản nợ đều sẽ được thanh toán suôn sẻ và kịp thời.
|
Bình luận (0)