Ngân hàng và công ty chứng khoán 'ôm' hàng trăm ngàn tỉ đồng trái phiếu

Mai Phương
Mai Phương
03/09/2019 16:51 GMT+7

Theo báo cáo về thị trường trái phiếu Việt Nam 8 tháng năm 2019 của Công ty chứng khoán SSI, các ngân hàng và công ty chứng khoán là những đơn vị đã mua vào sản phẩm này nhiều nhất.

Cụ thể theo SSI, trong 8 tháng vừa qua, ước tính tổng lượng chào bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 129.016 tỉ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỉ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%. Quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP.
Về phía người mua trong nước, các công ty chứng khoán là người mua TPDN nhiều nhất, với tổng lượng mua 29.447 tỉ đồng - chiếm 25,4% tổng lượng phát hành. Trong đó mua 22.900 tỉ đồng trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành và mua 3.250 tỉ đồng trái phiết bất động sản. Theo SSI, lượng mua này quá lớn so với quy mô vốn của các công ty chứng khoán. Bản thân các công ty chứng khoán này cũng phải huy động trái phiếu để tăng vốn nên khả năng cao các đơn vị này chỉ là trung gian, tham gia mua trên sơ cấp để bán lại trên thứ cấp chứ không phải là người mua cuối cùng. 
Riêng về TPDN, các nhà băng đã mua vào 7.410 tỉ đồng trái phiếu bất động sản, 3.750 tỉ đồng TPDN các lĩnh vực khác. Theo số liệu trên bảng cân đối kế toán tại 30.6.2019 của 18 ngân hàng niêm yết, tổng số TPDN các ngân hàng đang nắm giữ là gần 230.500 tỉ đồng, tăng thêm 65.000 tỉ đồng so với cuối năm 2018. Ngân hàng nắm giữ nhiều TPDN nhất vẫn là TCB với số dư là 60.663 tỉ đồng.
Đồng thời, lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng nắm giữ tăng thêm tới 56.400 tỉ đồng. SSI nhận định, con số này khá tương đồng với lượng trái phiếu các nhà băng đã phát hành. Thêm vào đó, đối tượng mua chủ yếu là các công ty chứng khoán nên rất có thể các ngân hàng đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau, mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.

Công ty chứng khoán và ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất

SSI

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia khá tích cực vào thị trường trái phiếu Việt Nam thời gian qua khi mua ròng hơn 13.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ và mua sơ cấp TPDN 10.266 tỉ đồng, tương ứng 8,8% tổng lượng TPDN phát hành.

Về phía người bán, các ngân hàng thương mại vẫn là chủ thể phát hành TPDN lớn nhất với tổng giá trị phát hành là 56.060 tỉ đồng (chiếm 47,9%). Tiếp đó là các doanh nghiệp bất động sản phát hành 36.946 tỉ đồng (chiếm 31,5%). Kế đó là các doanh nghiệp phát triển hạ tầng phát hành 9.207 tỉ đồng (chiếm 7,9%); các định chế tài chính phi ngân hàng phát hành 4.423 tỉ đồng (chiếm 3,8%) và còn lại là các doanh nghiệp khác. Riêng nhóm bất động sản có đến 44 doanh nghiệp chào bán trái phiếu với 47.800 tỉ đồng được chào bán nhưng chỉ có 36.146 tỉ trái phiếu được bán thành công. Thống kê của SSI cũng cho thấy, hầu hết trái phiếu ngân hàng có lãi suất cố định và trả lãi hằng năm. Lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6,75%/năm và 3,3 năm. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu bình quân của tất cả các trái phiếu bất động sản là 10,01%/năm. Chỉ có 4 doanh nghiệp huy động được trái phiếu có lãi suất từ 8% trở xuống và nếu loại trừ các khoản này, lãi suất huy động bình quân tăng lên 10,3%/năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.