Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (Bộ Công thương), cho hay năm 2018, ngành dệt xuất khẩu trên 5 tỉ USD (gồm vải và sợi) thì giá trị nhập khẩu lại gần gấp 3 lần, trong đó 50% đến từ Trung Quốc. Trong khi đó, các hiệp định tự do thế hệ mới tới như CPTPP và EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ rất chặt chẽ, không được tính quy tắc xuất xứ nếu nhập từ vải Trung Quốc. Nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì hàng dệt may của VN mới được hưởng thuế 0%, nếu không sẽ từ 9 - 12%.
Còn theo ông Vũ Huy Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Đam San, thì doanh nghiệp ông có 100.000 cọc sợi, nhưng chỉ có 10% trong số này để phục vụ ngành may trong nước. Còn lại 90% buộc phải xuất khẩu do trong nước không có nhu cầu. “Trong số 90% bán sang Trung Quốc thì có 15% là chấp nhận lỗ. Nhưng khi họ nhập về, nhuộm xong bán lại vải cho chúng ta với giá cao”, ông Đông nói.
Lý giải điều này, bà Thúy cho rằng, do phần lớn doanh nghiệp ngành dệt may VN ở phần hạ nguồn, tức chấp nhận gia công nên đối tác ngoại khi đưa đơn hàng thì họ chỉ định luôn nhà nhập khẩu nguyên phụ liệu. Thậm chí, tiền nhập khẩu nguyên liệu cũng do đối tác ngoại chi trả, còn doanh nghiệp trong nước chỉ có nhận phần công may.
Thừa nhận chuỗi liên kết lỏng lẻo, chưa thấy vai trò của doanh nghiệp đầu đàn để “kéo”, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết tới đây khi hoàn thiện chiến lược ngành dệt may đến 2030 (định hướng 2035) trình Thủ tướng thì vấn đề chuỗi liên kết phải được quan tâm đặc biệt. “Không để tình trạng quá bất cập là sợi sản xuất đi, xuất khẩu, sang kia họ chỉ nhuộm xong lại quay lại bán cho ta”, ông Hoài nói.
Bình luận (0)