Nghiên cứu mô hình nhà ở tạo thu nhập

Mai Phương
Mai Phương
17/09/2019 10:23 GMT+7

Sáng nay (17.9), UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo quốc tế về Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, tính đến tháng 6.2019, thành phố có hơn 1,88 triệu căn nhà với tổng diện tích sàn là 182,16 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,91 m2/người. Dự kiến đến cuối năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đạt mức 20,30 m2/người. Mặc dù kết quả phát triển nhà ở của TP.HCM trong hơn 15 năm qua đã đạt được các chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn còn nhiều người dân, phần lớn là người nhập cư chưa có nhà ở hoặc chưa tiếp cận được với nhà ở.
Dự báo dân số thành phố sẽ đạt khoảng 9,16 triệu người vào năm 2020, đạt 10,05 triệu người vào năm 2025 và tăng lên 11,97 triệu người vào năm 2035. Nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 được tính toán khoảng 45 triệu m2 sàn, tăng lên 50,6 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2026-2030 và lên gần 57 triệu m2 sàn cho 5 năm tiếp theo sau đó.
Giáo sư Yap Kioe Sheng - Viện Công nghệ châu Á nhấn mạnh rằng, việc cung cấp nhà ở không thể tách rời với việc quan tâm đến tạo công ăn việc làm, tạo ra thu nhập cho người dân.
Giáo sư Yap Kioe Sheng nêu ra ví dụ tại Thái Lan, vào những năm 1980, cơ quan quốc gia đã xây dựng hàng ngàn ngôi nhà cho người thu nhập thấp và trợ giá với mức thuê nhà chỉ còn 10 - 15 USD/tháng (khoảng 230.000 - 350.000 đồng/tháng) để tái định cư cho những người sống tại các khu ổ chuột. Sau 10 - 15 năm, 50% căn hộ này đã được chuyển giao cho người có thu nhập trung bình. Điều này cho thấy việc trợ giá đã chuyển cho đối tượng khác chứ không phải người thu nhập thấp. Ông nhấn mạnh: Nhà ở cho người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình có liên quan với nhau. Nếu không có đủ nhà, những người có thu nhập trung bình sẽ mua lại nhà ở từ những hộ có thu nhập thấp. Và khi đó lại đẩy người thu nhập thấp quay lại các khu ổ chuột. Chính phủ cũng cần khuyến khích khu vực tư nhân cung ứng nhà ở cho người có thu nhập trung bình.
Hiện nay, Thái Lan có những chương trình làm việc với người dân, trao đổi với họ để có được giải pháp nhà cửa phù hợp nhất. Có những ngôi nhà trung bình với chi phí trung bình. “Không phải lúc nào chúng ta cũng đáp ứng được tất cả mọi nhu cầu. Cần tính đến tình trạng thực sự của những gia đình có thu nhập thấp, thu nhập họ biến động ra sao, nhu cầu của họ về một ngôi nhà như thế nào và họ phụ thuộc lẫn nhau như thế nào. Nếu tách các thành viên trong gia đình ra nhiều nơi thì họ không hỗ trợ được nhau... Chúng ta không muốn có những gia đình sống trong các khu ổ chuột nhưng phải xây dựng được những ngôi nhà giá rẻ có thể cạnh tranh được với ngôi nhà tạm bợ đó hay không? Tính hữu dụng của nhà ở để tạo thu nhập rất quan trọng với các hộ gia đình. Cần có những loại nhà ở đa dạng ở nhiều địa điểm để phù hợp với nhiều người khác nhau...”, Giáo sư Yap Kioe Sheng chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.