Người tiêu dùng 'méo mặt' vì giá rau xanh phi mã

21/02/2020 09:51 GMT+7

Tết Nguyên đán đã qua gần 1 tháng, nhưng giá rau xanh trên thị trường Hà Nội vẫn chưa hạ nhiệt, trái lại, còn tăng gấp 2 - 3 lần so với trước, khiến người tiêu dùng “méo mặt”.

Chuyển từ bán cân sang bán mớ

Những ngày gần đây, giá rau xanh tại các chợ dân sinh ở Hà Nội liên tiếp đội giá. Khảo sát của phóng viên Thanh Niên tại các chợ Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), chợ Khương Thượng (quận Đống Đa), chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy)… cho thấy, giá su hào đã 10.000 đồng/củ, su su 25.000 đồng/kg, cà chua 25.000 đồng/kg, cải xanh 40.000 đồng/kg, cải chip và cải ngọt 20.000 đồng/kg, bí xanh 20.000 đồng/kg, xà lách 40.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, một số loại rau ăn lá tăng vọt, gấp 2 - 3 lần so với trước, như rau lang 15.000 đồng/mớ, cải cúc 15.000 - 18.000 đồng/mớ, rau muống và mùng tơi 15.000 đồng/mớ… Chị Hồng Nhung (nhà ở phố Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân), than thở: “Tôi nhớ năm ngoái ra tết, rau xanh còn ế ẩm, su hào 2.000 đồng/củ, bắp cải 8.000 đồng/cái bán không ai mua. Năm nay, đi chợ méo cả mặt, phải căng óc tính toán mua gì, ăn gì cho đủ dinh dưỡng, lại vừa hợp túi tiền”.
Chị Nguyễn Thị Xuân, tiểu thương bán rau tại chợ Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), cho biết: “Mọi năm giá rau chỉ tăng cao những ngày sau tết rồi hạ nhiệt, hầu như chưa bao tăng giá cả tháng trời như năm nay. Mức giá hiện tại tăng gấp 3 lần so với trước tết và tăng khoảng 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là các loại rau trái vụ như rau muống, mùng tơi, rau dền… Người bán cũng chẳng mong rau đắt mãi thế này, vì giá cao, người mua cũng vắng”.
Rau xanh đắt đỏ, thay vì bán rau theo cân như trước, tại các chợ dân sinh, nhiều tiểu thương bó rau theo mớ để bán, hoặc bán theo cái như bắp cải. Đơn cử, bắp cải 15.000 đồng/kg, nay bán 20.000 đồng/cái. Rau muống 15.000 đồng/mớ chỉ bằng một nửa so với trước.
Chị Lý Hà (ở phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy), chia sẻ: “Rau bắp cải mọi khi bán theo cân, giờ rau đắt, người bán hàng chuyển sang bán theo cái. Nhà tôi mua 20.000 đồng chỉ được 1 cái nho nhỏ ăn đủ một bữa. Một buổi sáng đi chợ hết vèo nửa triệu bạc, trong đó tiền mua rau chiếm 1/3”.
Không chỉ người tiêu dùng lo lắng, các nhà hàng quán ăn tiêu thụ rau xanh cũng “đau đầu” tính toán mua thực phẩm, cân đối doanh thu trong mùa dịch Covid-19.
Chị Hà Nam (chủ quán lẩu trên phố Kim Giang, quận Thanh Xuân), bày tỏ: “Dịch bệnh Covid-19 khiến cho hàng quán vắng khách, ế ẩm lắm rồi. Giờ thực phẩm, rau xanh tăng mà tăng nữa thì chỉ còn nước đóng cửa. Chúng tôi đành chọn giải pháp “tính công làm lãi”, dậy từ 4 giờ sáng mua rau ở chợ đầu mối để có giá tốt, rẻ hơn chợ dân sinh”.

Rau tăng giá do thời tiết và dịch bệnh

Tại các siêu thị như Vinmart, BigC, Lotte,… giá rau xanh không tăng đột biến như các chợ dân sinh, nhưng cũng đã điều chỉnh tăng lên trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, các chủng loại rau, nhất là rau xanh, không còn phong phú như trước. Đơn cử, tại hệ thống siêu thị Vinmart, so với cách đây 2 tuần, giá rau muống tăng 7.000 đồng, lên 30.000 đồng/kg, mùng tơi tăng 5.500 đồng, lên 34.000 đồng/kg, cải cúc 36.000 đồng (tăng 6.000 đồng), bắp cải từ 9.500 đồng tăng lên 25.000 đồng/kg, cà chua tăng 1.000 đồng, lên 25.000 đồng/kg.
Mặc dù niêm yết giá, nhưng các loại rau lá như rau muống, rau ngót, rau cải cúc gần như vắng bóng trên các kệ hàng. Đặc biệt, các loại rau gia vị giá khá đắt đỏ: mùi ta 100.000 đồng/kg, húng quế 87.000 đồng/kg; ngổ 95.000 đồng/kg, tía tô và kinh giới đồng giá 75.000 đồng, hành lá 50.000 đồng/kg.
Rau xanh khan hiếm, các siêu thị phải nhập thêm rau củ như su su, cà rốt, củ cải, khoai tây, bắp cải… từ Đà Lạt chuyển ra để bù đắp.
Lý giải giá rau xanh tăng phi mã, ông Vũ Anh Liên, Phụ trách bán hàng Hợp tác xã rau xanh Vân Nội (huyện Đông Anh), phân tích: “Thời tiết năm nay khắc nghiệt, đầu năm thì mưa đá, từ sau tết đến nay thời tiết rét đậm liên tục, khiến cho rau xanh phát triển chậm. Ngoài yếu tố thời tiết, còn có một nguyên nhân khác là do tác động của dịch Covid-19 dẫn đến đóng biên cửa khẩu, các mặt hàng rau xanh từ Trung Quốc không thể xuất sang Việt Nam, dẫn đến thị trường rau xanh mất cân bằng và tăng giá 300%”.
Theo ông Liên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, nguồn cung trong nước trong thời gian tới chưa thể đáp ứng kịp. “Dự báo, ít nhất là 1 tháng nữa, khi thời tiết nắng ấm lên, rau phát triển tốt sẽ tăng nguồn cung trên thị trường, giá rau mới bắt đầu hạ nhiệt. Trong 2 tháng nữa, giá rau sẽ bình ổn về mức cũ”, ông Liên nói.
Còn Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPT-NT), vụ đông 2019 - 2020, tổng diện tích rau đậu tại các tỉnh phía Bắc ước đạt khoảng 180.000 ha, giảm khoảng 5.000 ha so với vụ đông năm 2018 - 2019. Bên cạnh đó, nguồn cung rau trên thị trường giảm ở giai đoạn giao vụ, nhất là các loại rau ăn lá ưa lạnh như rau cải các loại, xà lách, rau gia vị, hành tỏi, cải bắp, su hào,… nên giá rau có xu hướng tăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.