Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC. Trong đó, điểm mới nhất khiến nhà đầu tư chú ý là các quy định cho giao dịch bán khống có bảo đảm.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ đây là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đã bán để hoàn trả khoản vay.
Tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm là tài khoản riêng biệt hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản. Các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ được phép giao dịch bán khống có bảo đảm phải đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; về quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; về tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán. Trên cơ sở tiêu chí do Ủy ban Chứng khoán quy định, Sở giao dịch chứng khoán công bố danh sách cổ phiếu sẽ được giao dịch hoặc không được giao dịch bán khống có bảo đảm...
Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động của thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán có thể yêu cầu các công ty chứng khoán tạm ngừng thực hiện hoạt động giao dịch bán khống có bảo đảm.
Một nội dung khác cũng rất quan trọng được bổ sung là cơ chế giao dịch trong ngày (T+0) thay vì nhà đầu tư mua cổ phiếu phải chờ 3 ngày sau mới được bán (T+3) như hiện nay. Dự thảo thông tư định nghĩa đây là giao dịch mua và bán cùng một mã chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch. Nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng này với công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao. Trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tạm ngừng các hoạt động giao dịch trong ngày...
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết dự kiến đầu năm 2021, sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới đưa vào vận hành thông suốt thì hoạt động giao dịch trong ngày sẽ được phép triển khai. Như vậy, với dự thảo Thông tư mới của Bộ Tài chính, đồng thời cả hoạt động T+0 và giao dịch bán khống cổ phiếu sẽ sớm thực hiện trong đầu năm tới.
Bình luận (0)