Nhà mạng xử lý thế nào về tội quấy rối qua điện thoại?

Mai Phương
Mai Phương
10/09/2019 19:53 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài người dùng bị dội bom điện thoại đe dọa , nhiều bạn đọc đã phản ánh hiện tượng này cũng diễn ra khắp nơi. Như vậy các nhà mạng sẽ xử lý như thế nào?

Theo quy định của VinaPhone, quấy rối qua điện thoại là hành vi làm phiền, gây khó chịu cho người khác, thông qua việc trêu đùa, đe dọa, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm hoặc các hành vi làm phiền khác trái ý muốn của người khác. Người bị coi là quấy rối qua điện thoại nếu thực hiện gửi 5 tin nhắn/ngày trở lên hoặc từ 3 cuộc gọi trở lên trong một ngày. Trong đó, khách hàng bị quấy rối cần cung cấp đầy đủ, chính xác nội dung tin nhắn, thời gian gọi, số lần gọi khi yêu cầu giải quyết các trường hợp quấy rối. VinaPhone khi nhận được khiếu nại sẽ nhắc nhở qua điện thoại hoặc gửi tin nhắn thông báo cho khách hàng đề nghị ngừng quấy rối. Trong trường hợp khách hàng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi này với các thuê bao khác thì nhà mạng này sẽ đưa số thuê bao vào danh sách Blacklist để chặn các cuộc gọi vào tổng đài (nếu là trường hợp quấy rối tổng đài chăm sóc khách hàng và các tổng đài đã có chức năng chặn thuê bao theo Blacklist).
VinaPhone sẽ nhắc nhở khách hàng 1 lần và nếu vi phạm sẽ thực hiện tạm ngừng cung cấp dịch vụ khoái chiều gọi đi. Khách hàng nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì thực hiện cam kết (qua điện thoại và được tổng đài ghi âm). Khách hàng đã cam kết mở lại chiều gọi đi 1 lần nhưng vẫn thực hiện hành vi quấy rối thì sẽ bị khóa chiều gọi đi lại. Lúc này nếu khách hàng muốn tiếp tục sử dụng phải ra điểm giao dịch của VinaPhone để làm cam kết không tái phạm… Ngoài ra, VinaPhone sẽ đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật (xử phạt hành chính theo Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP).
Tương tự tại Viettel, quy định khách hàng bị nhá máy, bị gọi từ 3 cuộc trở lên hằng ngày từ một số điện thoại được xem là quấy rối. Khi tiếp nhận phản ánh từ khách hàng qua tổng đài về các số điện thoại quấy rối, Viettel sẽ tư vấn cho khách hàng dịch vụ gọi hoặc nhắn tin blocking để chặn số quấy rối ngay lập tức. Bước cuối cùng sau khi xác minh đúng thuê bao quấy rối nhà mạng này sẽ chặn chiều gọi đi…
Đặc biệt, tất cả nhà mạng đều dẫn quy định theo Điều 6 “Đảm bảo bí mật thông tin” của luật Viễn thông để cho biết sẽ không tiết lộ thông tin riêng về tên, địa chỉ, thời gian gọi và thông tin riêng khác… của chủ thuê bao điện thoại. Ngoại trừ việc cung cấp các thông tin cá nhân này chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên mọi xử lý trên đều chỉ được thực hiện khi người dùng khiếu nại với nhà mạng. Riêng với các cuộc gọi quấy rối hăm dọa, người dùng nên khiếu nại với Sở Thông tin và Truyền thông hoặc gửi đơn đến Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) để ngăn chặn vì khi đó, thông tin của kẻ quấy rối mới được nhà mạng cung cấp cho cơ quan quản lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.