Bị văng tục, khủng bố vì không chịu hủy xe thay tài xế

08/09/2019 13:55 GMT+7

Không chỉ riêng trường hợp của anh M.T bị đe dọa (Báo Thanh Niên phản ánh hôm qua 7.9 ,) nhiều người cũng từng bị những cuộc điện thoại khủng bố từ các dịch vụ khác nhau.

Không hủy xe, không vay tiền, không … vẫn bị khủng bố

Chị H.Nhung (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn không hết bực mình khi nhắc lại vụ bị khủng bố điện thoại cách đây 1 tháng. Chuyện bắt đầu khi chị đặt xe qua một app gọi xe công nghệ và dịch vụ báo tài xế N.V.H sẽ tới đón chị. Một lúc sau tài xế điện cho chị nhờ hủy chuyến vì lý do đang ở đường lầy lội và cách xa, nhưng chị đang bận nên nói tài xế hủy. Một lúc sau, tài xế này gọi tiếp cho chị yêu cầu hủy chuyến, dù bực nhưng chị  vẫn lịch sự nói: “em đã bảo rồi, anh hủy giúp em ạ”. Bất ngờ, tài xế N.V.H văng tục và chửi chị liên hồi trong diện thoại bằng những câu tục tĩu.
Ngay sau đó, số điện thoại của chị H.Nhung bắt đầu chịu cảnh khủng bố khi hàng chục cuộc điện thoại, tin nhắn gửi đến từ những số xa lạ để hỏi chị muốn đặt xe đi Vũng Tàu ngày nào, mấy giờ, đón ở đâu… (hình đính kèm, các cuộc gọi lạ, bị nhỡ màu đỏ mà chị N.H không bắt máy - PV). Chị H.Nhung tìm hiểu và nghi ngờ anh tài xế N.V.H đã lấy số điện thoại của chị đăng trên một diễn đàn với tên là Hiếu để yêu cầu cần thuê xe đi từ TP.HCM đến Vũng Tàu. Suốt trong khoảng thời gian gần 10 giờ sáng đến đầu giờ chiều hôm đó, chị Nhung liên tục nhận những cuộc gọi lạ cũng như tin nhắn giới thiệu xe. Chị H.Nhung nhớ lại: “Tôi bị làm phiền bởi những cuộc điện, tin nhắn không đáng có này, cả ngày hôm đó gần như không làm được việc gì”. Sau khi phản ánh, công ty này đã ghi nhận tình trạng trên nhưng chị phải chịu trận với tình trạng “khủng bố” tiếp nhận những cuộc điện thoại lạ khi số điện thoại của chị vẫn nằm trên diễn đàn thuê xe.
Trước đó vào giữa tháng 4.2019, chị Minh Hà (Ðống Ða, Hà Nội) nhận được hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày, kể cả ban đêm, từ những đầu số thuê bao khác nhau với cùng một nội dung đòi nợ từ một trang web xưng cho vay ngang hàng. Đáng nói là chị Minh Hà chưa bao giờ đi vay khoản tiền nào, đặc biệt từ các đơn vị cho vay này. Nội dung các cuộc gọi này hầu hết được ghi âm phát sẵn thông báo về một người tên… đang vay số tiền và cần phải thanh toán. Khi liên hệ với tổng đài để làm rõ, chị Minh Hà khẳng định không quen biết hay có quan hệ gì với người vay nói trên thì cũng chỉ được hứa hẹn xem xét. Không thể chịu nổi, chị Minh Hà khiếu nại với nhà mạng thì được thông báo đã chặn các đầu số gọi đến cho chị. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn còn một vài số điện thoai cá nhân khủng bố chị với nội dung tương tự sau đó khiến chị phải luôn tắt máy vào ban đêm để tránh bị quấy nhiễu… 
Trong khi đó, chị Thu Hằng (quận 3, TP.HCM) chia sẻ về việc chị có mua một SIM điện thoại cho mẹ đã hơn 80 tuổi sử dụng. Số điện thoại này chỉ có mình chị biết và khi cần mẹ chỉ bấm số 1 để gọi chị. Thế nhưng chỉ ít ngày sau đó, mẹ chị Thu Hằng nhận được khoảng 10 cuộc điện thoại số lạ, bà phát hoảng vì không biết ai điện nên cũng không dám nghe máy. Sau khi kiểm tra những số điện thoại kia, chị Thu Hằng phát hiện toàn những đơn vị kinh doanh mời mua nhà đất, mời tham dự hội thảo này kia… Điều này cho thấy tình trạng bán danh sách số điện thoại cho các đơn vị kinh doanh làm phiền người khác vẫn tồn tại.

Chị H.Nhung bị khủng bố bởi các cuộc điện thoại khi bị tung số điện thoại lên diễn đàn thuê xe

Đe dọa, tung thông tin lên mạng gây áp lực

Mới đây vào ngày 6.9, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết trong 8 tháng năm 2019, cơ quan này đã nhận được rất nhiều khiếu nại về lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Đặc biệt có khách hàng cho biết không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ mặc dù họ đã nhiều lần thông báo về việc không liên quan đến khoản nợ của các công ty cho vay tiêu dùng. Việc này tương tự như trường hợp của chị Minh Hà.
Một số vụ việc, đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng, của người thân để đăng tải công khai trên các mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ cho người tiêu dùng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, có một số vụ việc người tiêu dùng thực hiện giao dịch tại các trang web cho vay trực tuyến, đã thanh toán xong khoản vay nhưng sau một thời gian bị nhiều đối tượng liên hệ để đe dọa, gây áp lực trả tiếp khoản vay…
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena, cũng cho biết bản thân ông và nhiều người trong gia đình, bạn bè đều là nạn nhân của các cuộc gọi quảng cáo, bán hàng thường xuyên thời gian qua. Trong đó nhiều nhất là lĩnh vực bảo hiểmbất động sản. Đặc biệt cũng xuất hiện những cuộc gọi với thái độ và lời lẽ xấc xược, mang tính hăm dọa khi người nghe tỏ vẻ khó chịu hay từ chối. Việc ngăn các cuộc gọi này trên điện thoại thông minh không thể thực hiện hết vì hết số này đến số khác không đếm xuể. 
Theo ông Thắng, với những cuộc điện thoại mang tính hăm dọa, khủng bố người nghe như vậy thì không chỉ cá nhân đó mà công ty có dịch vụ được mời chào như trường hợp công ty Dai-ichi Life trong câu chuyện của ông M.T cũng phải chịu trách nhiệm.
“Người dùng di động luôn phải gánh chịu những phiền phức từ tin nhắn rác và cuộc gọi rác, thậm chí còn bị khủng bố qua điện thoại mà không có giải pháp nào ngăn chặn. Ở các nước cũng có hình thức bán hàng qua điện thoại nhưng họ vẫn tôn trọng khách hàng, không buông lời lẽ xúc phạm hay chào mời liên tục kiểu tra tấn như các công ty bảo hiểm, dịch vụ bất động sản như ở Việt Nam. Tôi nghĩ để giảm bớt tình trạng này thì chỉ còn cách tăng mức phạt cả cá nhân vi phạm và công ty cung cấp dịch vụ này vì họ không thể vô can. Mức phạt mỗi lần vi phạm sau khi bị khiếu nại, có bằng chứng cụ thể phải lên tới hàng trăm triệu đồng mới đủ răn đe”, ông Võ Đỗ Thắng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.