Phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước

Mạnh Cường
Mạnh Cường
11/06/2021 14:11 GMT+7

UBND tỉnh Quảng Nam vừa trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình về việc đề nghị xây dựng và phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam).

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng và phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045.

Cây sâm Ngọc Linh 4 năm tuổi

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Theo nội dung tờ trình: Sâm Ngọc Linh là một trong 10 loài thuộc chi Panax được phát hiện lần đầu tiên tại vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum năm 1985. Đây là loài sâm đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao của Việt Nam, là một nguồn gen quý hiếm có giá trị rất cao được xếp ngang hàng với các loại sâm quý trên thế giới. Trong sâm Ngọc Linh có hàm lượng saponin khá cao, đặc biệt là nhóm dammaran với các hợp chất saponoside đại diện chính là MR2, Rb1 và Rg1. Sâm Ngọc Linh có tới 52 loại saponin, trong đó có 26 loại chưa được xác định.

Trong khi Hồng sâm của Hàn Quốc và Triều Tiên là 2 loại sâm thượng hạng trên thế giới, nhưng chỉ chứa khoảng 25 loại saponin (sâm tươi), hoặc 32 loại saponin (sâm khô) khác nhau; bằng chứng khoa học đã cho thấy giá trị sử dụng của sâm Việt Nam có tác dụng cao hơn so với các sản phẩm sâm hiện lưu hành trên thị trường thế giới cũng như nhập khẩu vào Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của sâm Ngọc Linh, Chính phủ đã thống nhất thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030. Trên cơ sở đó, 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã bố trí nguồn lực địa phương và xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Đến nay đã đạt được nhiều kết quả nhất định, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo ở vùng miền núi 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, cơ sở hạ tầng vùng sâm được đầu tư, nâng cấp, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Sâm Ngọc Linh có tới 52 loại saponin, trong đó có 26 loại chưa được xác định

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Tuy nhiên, để phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian đến, ngang tầm với ngành sản xuất sâm Hàn Quốc, cũng như khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan chủ trì xây dựng và trình 2 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045.

Mục đích của chương trình là phát triển cây sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp sản xuất sâm đạt thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam; đưa ngành sản xuất và chế biến sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển kinh tế bằng cây sâm Việt Nam. Đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc, hằng năm sản xuất ra được từ 500 - 1.000 tấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.