Quá ít doanh nghiệp nội 'với được' chính sách ưu đãi công nghiệp phụ trợ

Chí Hiếu
Chí Hiếu
27/09/2019 09:15 GMT+7

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, số doanh nghiệp trong nước được hưởng chính sách ưu đãi công nghiệp phụ trợ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại tọa đàm về phát triển công nghiệp phụ trợ do Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 26.9, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, cho biết sau 4 năm thực hiện Nghị định 111 về phát triển công nghiệp phụ trợ, số doanh nghiệp (DN) trong nước được hưởng chính sách ưu đãi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cụ thể, theo khảo sát hằng năm của hiệp hội, đến hết 2018 mới có 25 công ty nộp hồ sơ xin hỗ trợ và có 20 DN đủ điều kiện được hưởng chính sách. Trong số này chỉ có 4 công ty nội, còn lại là DN FDI. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, đến nay đã có 55 hồ sơ xin xác nhận và có 37 hồ sơ DN được xác nhận đủ điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, chỉ có 3 - 5 DN trong nước đủ điều kiện.
Về nguyên do, bà Bình cho rằng, với các công ty trong nước, ngay từ khâu đi xin xác nhận đủ điều kiện là DN hỗ trợ đã rất khó khăn, mệt mỏi. Trong khi đó, theo bà Thúy, đa số DN công nghiệp hỗ trợ là công ty nhỏ, thế nhưng chính sách ưu đãi thuế, đất đai bao giờ cũng muốn dành cho dự án lớn, hoành tráng để tạo tiếng vang cho địa phương nên DN nhỏ rất khó tiếp cận. Rất nhiều DN nội khi được hỏi thì đều nói không biết có chính sách ưu đãi hỗ trợ.
TS Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng việc đặt ra các thủ tục để DN nội được xác nhận đủ điều kiện là DN công nghệ hỗ trợ tương tự như Nhật Bản là đã “tự ghè chân mình”. Bà Anh cho rằng, chính sách phải xuất phát từ hỗ trợ, thậm chí can thiệp để bảo vệ doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, nếu không vẫn cứ loay hoay như chính sách với công nghiệp ô tô trong nhiều năm qua.
Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Danh nghiệp cơ khí VN, nhà nước không phân biệt đối xử doanh nghiệp trong nước hay FDI, song một khi chính sách ưu đãi này vô tình chỉ “làm béo” khối ngoại thì đã đến lúc phải xem lại Nghị định 111 và cái mà các công ty làm công nghiệp phụ trợ cần nhất là dung lượng thị trường đủ lớn để sản xuất, tức là rất cần nhà nước bảo vệ thị trường nội địa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.