Sau Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways cũng xin Chính phủ hỗ trợ vốn

Mai Hà
Mai Hà
26/11/2020 15:19 GMT+7

Ngành hàng không sẽ ra sao trong năm 2021, sau khi Chính phủ hỗ trợ vốn vay ưu đãi 12.000 tỉ đồng với Vietnam Airlines, 2 hãng còn lại là Vietjet Air và Bamboo Airways có được hỗ trợ vốn?

Đây là những vấn đề được các hãng hàng không nêu ra tại hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” diễn ra sáng nay, 26.11.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, cho biết hãng này đã lỗ trong 9 tháng qua, dù đã bán, chuyển nhượng tài sản tích luỹ trong nhiều năm, giảm lương tới 50 - 70% với quản lý cấp cao, trung và chỉ trả mức thu nhập tối thiểu 8 - 10 triệu đồng với người lao động.
Nêu ra ví dụ hàng không các nước đều nhận được hỗ trợ rất lớn của Chính phủ như Thái Lan, Trung Quốc, theo bà Phương, khi mở cửa quốc tế trở lại, hàng không các nước có tiềm lực từ hỗ trợ Chính phủ sẽ cạnh tranh gay gắt với các hãng Việt Nam.
"Các doanh nghiệp hàng không đều gặp khó khăn về thanh khoản trong 2 - 3 năm tới do sụt giảm mạnh về doanh thu. Vietnam Airlines đã được Quốc hội phê duyệt phương án cho phép Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn, gia hạn để các ngân hàng thương mại cho vay. Vietjet xin kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn vay hạn mức 4.000 tỉ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3 - 5 năm. Sau đó, Vietjet sẽ bắt đầu trả nợ và lãi từ 2023 - 2025", bà Phương nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỉ USD trong năm nay. Riêng Vietnam Airlines doanh thu giảm hơn nửa, số lỗ năm nay dự kiến khoảng 14.000 - 15.000 tỉ đồng.
Ông Hoàng cho rằng, thị trường nội địa tuy có phục hồi nhưng sức mua yếu, giá vé lại giảm mạnh. Thị trường quốc tế đóng băng, tập trung chủ yếu là các chuyến bay đưa công dân về nước. Đà suy thoái kinh tế và tâm lý lo ngại vẫn là rào cản kéo dài phục hồi ngành hàng không nói chung.
Bên cạnh đó, các hãng bay liên tục tăng tải vào thị trường nội địa, khiến dư thừa nguồn cung và cạnh tranh trực diện giảm giá vé nhằm thu hút khách và cạnh tranh giữa các hãng. Hệ quả là tiềm lực tài chính giảm nghiêm trọng, khó cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài.
Đại diện Bamboo Airways cho hay, quy mô hãng bay này nhỏ bằng 1/3 - 1/4 so với Vietnam Airlines và Vietjet, nhưng thiệt hại do Covid-19 cũng không kém. Hãng này cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines.
Các hãng hàng không đều chung kiến nghị kéo dài thời gian giảm 50% phí cất hạ cánh, giá dịch vụ bay đến hết năm 2021; giảm 70% thuế môi trường. Ngoài ra, mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế ở một số nước đã kiểm dịch tốt, không cấp phép bay cho các hãng hàng không cho tới năm 2024 (chỉ cấp phép hãng bay khi tự chủ nguồn lực, có kế hoạch bay và tiềm lực tài chính rõ ràng).
Các hãng cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho vay lãi suất 0% để trả lương cán bộ, công nhân viên...

Hàng không cần 3 năm để phục hồi

Ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho hay theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), ngành hàng không thế giới đã và sẽ đối diện với 2 kịch bản: mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại; và mô hình chữ U (giảm xuống đáy và kéo dài từ 3 - 5 tháng) đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48 - 71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.
“Theo nhìn nhận, hàng không Việt Nam từng bước phục hồi theo chữ V, Cục Hàng không đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh. Dự kiến, thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi đạt như năm 2019,” ông Hảo khẳng định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cũng nêu, dịch Covid-19 có thể làm thay đổi trật tự của các hãng hàng không trên thế giới. Như Singapore gặp khó khăn do chỉ có 1 sân bay, diện tích nhỏ nên thị trường nội địa ít.
Cùng quan điểm này, PGS - TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phân tích nếu trật tự hàng không thế giới thay đổi, các hãng bay nước ta sẽ thay đổi như thế nào? Vấn đề phải quan tâm là hãng nào chết trước, hãng nào yếu hơn và tự mình đứng dậy được không? Thời điểm này là thời điểm quyết định thay đổi cục diện cuộc chơi giữa các hãng.
“Hàng không là ngành có nhiều thông tin ra bên ngoài về việc hãng nọ “choảng” hãng kia. Thực tế không phải cứ ông to là sống khoẻ, doanh nghiệp càng to chắc gì sống được lâu do nợ nần nhiều vì dịch”, ông Thiên nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, thị trường nội địa đang là chỗ dựa quan trọng, do đó, cần kích hoạt thị trường nội địa hàng không cũng như du lịch tạo nên sức cầu nội địa. Bên cạnh đó, tìm nguồn tài trợ cho hàng không phải đặt hướng thuyết phục ngân hàng, Chính phủ tài trợ hàng không chính là tài trợ cho tương lai.
Theo ông Thiên, các hãng hàng không Việt cần được cứu, và Nhà nước phải có trách nhiệm như hỗ trợ cấp vốn, lãi suất, tránh việc hãng hàng không “tị nạnh” nhau về phần hỗ trợ, mà 3 hãng (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways) cần chung sức, đồng lòng để vượt qua dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.