Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Mục tiêu của TP.HCM là tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân thành phố. Do nguồn cung không thể có một lúc, nên phải theo lộ trình. Cố gắng trong năm 2021 phải tiêm được 2/3 người dân thành phố đang trong độ tuổi được tiêm vắc xin. Hiện nguồn vắc xin đang được đàm phán với nhà cung ứng, tùy loại vắc xin được quy định tiêm cho từ độ tuổi nào.
Theo Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đợt 1 với nguồn vắc xin AstraZeneca, thành phố được phân bổ 1,6 triệu liều, như vậy, còn 5,6 triệu người dân thành phố (tính từ 15 tuổi trở lên) chưa được tiêm ngừa.
Ở cương vị trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, cho đến ngày 6.6, các nguồn lây nhiễm dịch tại thành phố cơ bản đã kiểm soát được tình hình. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM - HCDC vẫn đang miệt mài tìm kiếm, quyết liệt để khoanh vùng các nguồn lây do độ mở của thành phố rất lớn. “Hiện chúng ta đang cơ bản kiểm soát được tình hình”, ông Phong nói.
Trong đợt dịch này, TP.HCM đã huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, sinh viên các trường Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch… lập những tổ lấy mẫu xét nghiệm. Trung bình mỗi ngày, có 50.000 mẫu, thậm chí có ngày 70.000 - 80.000 mẫu, chi phí lên đến 7 tỉ đồng. Đặc biệt, ưu tiên lấy mẫu nguồn lớn như các khu công nghiệp - khu chế xuất khoảng 280.000 công nhân và chuyên gia; khu công nghệ cao 450.000 lao động và chuyên gia cùng doanh nghiệp bên ngoài khu chế xuất…
Dự kiến, trong ngày mai, TP.HCM sẽ có báo cáo cụ thể về nguồn vắc xin và kế hoạch triển khai tiêm chủng toàn dân. Ông Phong nói: “Sức khỏe người dân là mục tiêu hàng đầu song không phải vì vậy mà không thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Sự đồng hành của doanh nghiệp với thành phố là rất đáng quý. Tinh thần của thành phố là rất chủ động trong vấn đề vắc xin, đây là yếu tố quyết định căn cơ để chúng ta thoát đại dịch. Không chỉ tiêm đợt 1, mà phải tính đến tiêm hằng năm vì thực tế biến chủng Covid-19 biến hóa không ngừng, rất nguy hiểm...”.
Trước đó, kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM, đại điện các Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, các hiệp hội trong ngành cơ khí, dệt may, thêu đan, du lịch, bán lẻ… đều cho rằng, thành phố cần sớm ưu tiên tiêm vắc- xin cho công nhân, người lao động để bảo đảm sản xuất, chuỗi sản xuất, cung ứng không bị đứt gãy, bảo đảm tăng trưởng kinh tế.
Bình luận (0)