Theo đó, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kiểm tra chuyên ngành trước thông quan theo quy định, trường hợp miễn kiểm tra chất lượng sản phẩm, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm được áp dụng đối với hàng hóa có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống. Đối với hàng hóa có trị giá hải quan trên 1 triệu đồng nhưng hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa được miễn kiểm tra chất lượng sản phẩm, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này thì được miễn kiểm tra chất lượng sản phẩm, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm 1 sản phẩm/lần và không quá 3 lần/năm.
Các tổ chức, cá nhân không được thu gom hàng hóa theo tiêu chuẩn miễn kiểm tra chuyên ngành của các tổ chức, cá nhân mua hàng giao dịch qua thương mại điện tử khác để thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Trường hợp có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Theo Bộ Tài chính, số liệu công bố của Hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức), doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 đạt 2,269 tỉ USD và nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất năm 2018. Qua báo cáo ba năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2019) về chỉ số thương mại điện tử VN (EBI) của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình năm từ 25% đến 30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.
Bộ Tài chính nhận thấy khi thương mại điện tử qua biên giới phát triển mạnh mẽ, các cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt với các vấn đề. Chẳng hạn số lượng các lô hàng nhỏ giá trị thấp tăng nhanh do vậy cần nguồn lực phù hợp để đảm bảo thời gian xử lý nhưng vẫn phải đảm bảo tốc độ thông quan nhanh của hàng hóa; thiếu thông tin, khai báo không chính xác, không có hồ sơ tuân thủ của người mua do người mua là các đối tượng không thường xuyên; khó ngăn chặn các lô hàng cấm, hàng hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu, hàng buôn lậu do số lượng hàng hóa gửi nhỏ lẻ trong khi chất lượng thông tin, dữ liệu trước về hàng hóa không có nhiều…
Bình luận (0)