Từ Sài Côn đến Sài Gòn
Quận 1 Sài Gòn, khi có 20 năm làm việc ở nơi này, theo tôi cái sự la cà ăn chơi mua sắm, có lẽ sẽ nhanh chóng làm vơi chiếc bóp của những ai một lần đến, để rồi sau đó có đầy lên trải nghiệm. Nói vậy có thể hơi chủ quan, nhưng nói đến quận 1 mà không nói đến độ bền lịch sử của một khu vực trung tâm đô thành Sài Gòn xuyên suốt qua bao thế kỷ thì cũng hơi... thiêu thiếu. Bởi nếu nói Sài Gòn đã từng là Hòn Ngọc Viễn Đông, thì quận 1 há chẳng phải là trái tim của hòn ngọc ấy hay sao?
Giở lại Việt Nam sử lược trong đó ghi dấu hình hài ban sơ của Sài Gòn, sau rất nhiều chương mô tả nhiều sự kiện đấu tranh giằng co, giành giật trong các trận chiến với cư dân Chân Lạp, học giả Trần Trọng Kim xác thực một câu trong mục Nguyễn Vương về lấy đất Gia Định (trang 392) kết thúc một giai đoạn: “Từ đó toàn đất Gia Định thuộc về chúa Nguyễn cả”. Câu “chốt hạ” này thuộc chương XII được đặt là Nguyễn Vương nhất thống nước Nam. Ấy là vào năm Kỷ Dậu (1789) lúc chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long) đánh tan đạo quân của Thái bảo Tây Sơn là tướng quân Phạm Văn Tham ở Gia Định, thời điểm trước 2 năm khi hoàng tử Đảm ra đời, sau này là vua Minh Mạng, năm 1791.
Cũng với sách trên, Sài Gòn bây giờ khi ấy còn là một đồn lũy khá vững chãi, gọi là đồn Sài Côn. Câu chú thích trong sách do Trần Trọng Kim chú giải rõ ràng rằng: “Sài Côn là cách phiên âm khác của Sài Gòn. Phiên âm theo chữ Hán đọc là Côn, còn phiên âm theo chữ Nôm đọc là Gòn. Trước kia gọi là Sài Côn, sau gọi là Sài Gòn” (trang 335 - Việt Nam sử lược).
Dẫn ra như thế để biết rằng, thời của chữ Nôm, để đọc và ghi lại một địa danh, cha ông ta đã muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc ngôn ngữ của người Hoa, xác lập một ý chí tự cường đáng nể. Và bao năm sau đó, với hình thế sông Sài Gòn và nhiều kênh rạch bao quanh, trong con mắt tiền nhân, địa thế của quận trung tâm đã bắt đầu mang trên mình một “sứ mệnh” trung tâm.
Quận 1, là nơi tụ hội nhiều tòa nhà cao tầng lộng lẫy, với khu tài chính trung tâm, với dòng chảy tiền tệ và đủ thứ xa hoa nhất mực của thành phố phương Nam được tạo dựng hơn 320 năm này. Ngày ấy, các đội thuyền chiến Tây Sơn đánh vào Bến Nghé với lực lượng nghênh chiến của chúa Nguyễn Phúc Ánh, thì nơi đây vốn là nơi giành giật địa cuộc “yết hầu”. Bây giờ, phường Bến Nghé vẫn là trung tâm của quận 1, qua bao biến thiên còn giữ được nhiều giá trị di sản của đất nước.
Tôi vẫn còn nhớ vụ tranh cãi vô cùng quyết liệt của các chuyên gia đô thị và bảo tồn với một số quan chức và nhà đầu tư vào năm 1998, khi muốn xây dựng tòa cao ốc có thể án ngữ che khuất phía mặt tiền của trụ sở UBND TP.HCM, một kiến trúc rất giá trị thời Pháp thuộc còn lại. Nhưng dài theo năm tháng, quận 1 bây giờ đã trở thành nơi “dung chứa” quá nhiều nhà cao tầng với độ nén lên địa tầng có thể nói thuộc hàng cao nhất của các quận nội thành TP.HCM.
|
Gió chiều bên sông
Những năm còn đi về ngôi nhà 4 tầng tọa lạc ở đường Cống Quỳnh, là tòa soạn báo, ngụ ngay quận 1, tôi vẫn la cà qua ngôi chợ Thái Bình cách đó chỉ vài trăm mét. Ngôi chợ lâu đời này trước đây được gọi là chợ “chồm hổm” vì người bán kẻ mua hầu hết khi ghé qua, ngồi xổm xuống mua một ít hàng, chủ yếu là thực phẩm rồi đi, rồi về. Chợ Thái Bình cũng là nơi có những gian hàng ăn đêm rất ngon và rẻ. Nhiều bạn bè đồng nghiệp trực đêm ở cơ quan thường hay đáo qua… dằn bụng bằng tô cháo cá, cháo mực hay vài ba món linh tinh cho chắc dạ.
Xuôi xuống một đoạn theo đường Lê Lai, sẽ đến chợ Bến Thành, là biểu tượng thường được in vào bưu ảnh. Rồi băng qua con đường, đi một loáng là đến dinh Thống Nhất, trước 1975 gọi là dinh Độc Lập hướng ra mặt tiền đại lộ Lê Duẩn mát rượi với công viên Thống Nhất bạt ngàn lá dầu, lá sao tỏa bóng. Đi dài hơn một chút là Thảo Cầm Viên, nằm vuông góc hơi chếch với vườn Tao Đàn (sau này là công viên văn hóa Tao Đàn). Những địa danh ấy, trong bài học thuộc lòng thời tiểu học đều có nhắc: “Có ô tô buýt khắp miền. Vườn chơi có Thảo Cầm Viên, Tao Đàn. Bến Thành đã tiếng tăm vang. Chợ Cầu Ông Lãnh lại càng nên đi”.
Nhưng, điều tôi vẫn luôn thích thú là mỗi khi chạy dọc trục lộ Đồng Khởi, đến ngay đầu đường với tòa nhà khách sạn Majestic cũ kỹ, do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế năm 1925, được nâng cấp 2 lần vào năm 1994 và 2003, là bắt đầu nghe lồng lộng gió sông Sài Gòn. Buổi chiều, bến Bạch Đằng mát rượi với hàng bờ kè cũ xì lâu lâu lại nghe tiếng tàu rúc còi tu tu... u dài theo con nước. Tàu chở hàng có, sà lan kéo cát có và cả tàu du lịch đón khách chơi đêm. Ấy là lúc hoàng hôn đổ xuống, sáng bừng hàng dãy đèn cao áp hắt xuống con đường Tôn Đức Thắng. Lúc ấy, quận 1 của Sài Gòn bỗng như đổi sang một “vai diễn” khác, hấp lực với bất cứ ai muốn la cà thêm một chút về đêm.
Bởi thế, nhiều người đến Sài Gòn lang thang, trước lúc trở về, lại thấy ở đây ngày vừa ngắn lại vừa dài. Là bởi, đi chơi chưa hết đã chiều, mà đêm thì vẫn như nối thêm cho ngày một chút. Có lẽ, điều này cũng không lạ với du khách nước ngoài khi đến nơi đây. Họ cũng ít ngủ vì những bước chân lưu luyến.
Trung tâm của trung tâm
Tôi vẫn nhớ rất nhiều nỗ lực để cố công lưu giữ cái hồn phố bao đời ấy, bằng nhiều đề án quy hoạch trong 25 năm qua để xác định quận 1 là lõi của trung tâm thành phố. Sự xác định nhằm để lập ra nhiều quy định cần thiết về các phương diện quy hoạch, kiến trúc và khống chế số lượng dân cư vừa đủ cho khu vực trung tâm này… được thở! Từ một bản quy hoạch khoanh vùng 860 ha vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, qua nhiều lần điều chỉnh, khu vực trung tâm TP.HCM hiện hữu đã được “chốt” lại vào cuối năm 2019 với 930 ha. Trong đó, quận 1 vẫn được xác định là “vùng lõi”, là trung tâm của trung tâm.
Bây giờ, đi trong những ngày tháng tư phố phường vắng lặng, vẫn nghe như thanh âm dội về của 45 năm trước. Quận 1, đã từng “thay mặt” Sài Gòn tiếp nhận sự đổi thay một cuộc chiến trên đất nước này. Để im tiếng súng cũng vào dịp tháng tư. Từng góc phố, con đường và biết bao công trình xưa cũ còn lại như vẫn ghi dấu sự nô nức của ngày hòa bình dạo ấy.
Chẳng thể nào kể hết bao biến đổi gần nửa thế kỷ qua, bao thăng trầm của một thời đoạn lịch sử vắt qua hai thiên niên kỷ. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, làn gió sông Sài Gòn muôn đời cứ thổi, mỗi sớm mỗi chiều vẫn phả vào lồng ngực, để còn ghi nhớ những ngày mình đang sống nơi này…
Quận 1 có diện tích tự nhiên 7,73 km2 với 142.000 người, mật độ 18.400 người/km2 (theo kết quả điều tra tháng 4.2019), có 10 phường là đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó phường Bến Nghé là trung tâm, được xem là quận sầm uất và mức sống cao nhất của TP.HCM về mọi phương diện. Từ tháng 5.1976, quận 1 được hợp nhất từ 2 quận trước 1975 là quận Nhất và quận Nhì. Địa thế quận 1, phía đông giáp sông Sài Gòn, 3 phía còn lại giáp các quận nội thành khác. Đây cũng là quận tập trung nhiều di tích kiến trúc cổ rất có giá trị và có nhiều bảo tàng lớn của TP.HCM.
|
Bình luận (0)