Taxi truyền thống liên minh để cạnh tranh với Grab

20/06/2018 13:46 GMT+7

Sau thời gian vật lộn trong cuộc chiến không cân sức với taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống đang tính chiến lược sáp nhập nhằm tăng thị phần cạnh tranh.

Cái bắt tay của "những người cùng khổ"
Tại đại hội cổ đông thường niên 2018 của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi), doanh nghiệp (DN) này chia sẻ kế hoạch sáp nhập Vinataxi với Savico Taxi nhằm hướng tới mục tiêu doanh thu 85 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 8 tỉ đồng dựa trên số xe trung bình là 330 xe.
Vinataxi là công ty liên doanh giữa Tracodi và Tecobest (Hồng Kông) được thành lập năm 1992. Đến năm 2003, đối tác nước ngoài chuyển quyền quản lý vốn tại Vinataxi cho ComfortDelGro, một trong những đơn vị dẫn đầu ngành kinh doanh vận tải tại Singapore. Đây cũng là đơn vị đang liên doanh với Savico trong lĩnh vực taxi.
Ban lãnh đạo Tracodi cho biết DN nắm 30% vốn tại Vinataxi và trong thời gian qua bị ảnh hưởng doanh thu từ việc cạnh tranh với Grab. Bằng chứng là dù chiếm thị phần lớn thứ 3 tại TP.HCM nhưng kết thúc năm 2017, doanh thu Vinataxi đóng góp cho Tracodi giảm mạnh, chỉ thực hiện được 49,8% kế hoạch, đạt 48,7 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 1,23 tỉ đồng, chỉ đạt 9,87%. Trong năm nay, hãng taxi này đặt kế hoạch tăng trưởng gấp 6 lần năm trước trên cơ sở sáp nhập thành công với ComfortDelGro Savico Taxi.
Điều đáng nói, ComfortDelGro Savico Taxi là DN vừa thông báo tạm ngừng hoạt động vào cuối tháng 3 vì liên tiếp gặp khó khăn trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, liên doanh này phải cơ cấu lại đoàn xe và cải thiện chất lượng phục vụ để duy trì tỷ lệ khai thác xấp xỉ 90% nên chi phí tăng cao. Khi vừa có lợi nhuận để bù đắp lỗ lũy kế trước đó thì lại chịu sự cạnh tranh thị phần gay gắt từ Grab và Uber.
Tính đến cuối năm 2016, liên doanh taxi này chỉ thu về 3,3 tỉ đồng lợi nhuận, trong khi năm trước đó đạt gần 7 tỉ đồng.
Tận dụng điểm yếu của đối thủ 
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, khi có cạnh tranh, taxi truyền thống đã  bộc lộ những nhược điểm mà trước đó người tiêu dùng không có gì so sánh hoặc nhận ra nhưng phải cam chịu. Nhưng khi taxi công nghệ ra đời, việc sử dụng ứng dụng minh bạch, giá rẻ là một tiến bộ đã nhận được sự hưởng ứng của người dùng. Đây cũng là điều cần phát huy. 
Trong tình hình đó, các taxi truyền thống với mô hình kinh doanh, cơ chế quản lý cũ sẽ chắc chắn không thể cạnh tranh. Có những DN cải tiến, vận dụng công nghệ thông tin để đổi mới dịch vụ, cũng có những DN tìm cách liên doanh để tăng quy mô. “Tuy nhiên quy mô có lớn hơn mà vẫn giữ các nhược điểm cũ thì khó khăn vẫn sẽ hoàn khó khăn, thậm chí ôm lỗ nặng hơn nhiều. Hợp nhất tăng sức mạnh phải dẫn đến đổi mới công nghệ. Vận dụng công nghệ và hiện đại hóa phương thức kinh doanh mới là giải pháp”, ông Doanh lưu ý.
Thực tế, ngay sau khi có sự xuất hiện của Grab và Uber, các “ông lớn” trong ngành vận tải truyền thống như Vinasun, Mai Linh cũng có bước chuyển mình đáng kể bằng cách vận dụng ứng dụng công nghệ hiện đại, cải thiện chất lượng phục vụ của tài xế, không tăng giá cước theo giá xăng. Tuy nhiên kết quả mang lại vẫn chưa có nhiều khả quan.
Ông Lê Đăng Doanh nhìn nhận có thể do mô hình công nghệ được vận dụng chưa đủ mạnh, chưa đủ thuyết phục người dùng. Các ứng dụng của taxi mới chỉ đơn thuần là đặt xe, công khai giá cước. Trong khi ứng dụng của Grab là kết nối xe, không sở hữu nên giảm chi phí, giá cước rẻ hơn, lại có nhiều ưu đãi. Rẻ hơn người dùng chọn là điều dễ hiểu.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa chỉ ra điểm yếu cơ bản của taxi công nghệ. Đó là không sở hữu xe, tài xế nên đội ngũ nhân lực của Grab không chuyên nghiệp, mức độ an toàn không cao bằng lực lượng tài xế đã được tuyển chọn, đào tạo bài bản của taxi truyền thống. Điểm yếu thứ hai là cũng do sử dụng công nghệ, giá cước của Grab biến động liên tục, thất thường, trong những giờ cao điểm đẩy cao hơn nhiều so với taxi truyền thống, điều này ít nhiều gây khó chịu cho người dùng.
“Cạnh tranh với taxi công nghệ thì điều đầu tiên là phải có hệ thống công nghệ hiện đại, ít nhất là tương tự. Các hãng taxi truyền thống có thể lợi dụng những điểm yếu của Grab để tạo lợi thế cho mình bằng cách đánh mạnh vào chất lượng dịch vụ, nâng cao độ an toàn để đạt được mức độ hài lòng cao nhất từ phía hành khách”, ông Nghĩa gợi ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.