Thực phẩm thiết yếu tại TP.HCM vẫn căng thẳng

18/07/2021 07:00 GMT+7

Ngay tại TP.HCM, rau xanh vẫn liên tục “cháy hàng” ở nhiều quận huyện; trong khi tại Hóc Môn, Q.12, nông dân lại cầu cứu vì không bán được. Rau ở nhiều địa phương phía nam chuyển về TP.HCM cũng gặp nhiều trắc trở khiến giá tăng mạnh.

Canh mua rau từ 5 giờ sáng

Sáng 16.7, sau nhiều ngày không đi chợ, chị Hòa (Q.Phú Nhuận) dậy sớm, khoảng 5 giờ 30 đã có mặt trước siêu thị Co.opmart Rạch Miễu và khá bất ngờ khi đã thấy gần cả trăm người xếp hàng dài, dù đến 6 giờ sáng siêu thị mới bắt đầu phát phiếu hẹn giờ cho người mua hàng. Nhờ đi rất sớm, chị Hòa mới mua được rau xanh và cả vỉ trứng gà mà đã nhiều ngày qua chị không thể mua được. Với tâm lý e ngại đám đông, chờ đến cuối ngày 16.7, chị Mỹ (TP.Thủ Đức) đến cửa hàng Co.op Food chung cư 4S Linh Đông thì trên kệ chỉ còn sót lại vài trái dưa leo nên đành ra về tay không và đang nhờ người thân ở quê mua rau xanh gửi vào.
Hôm qua 17.7, chờ đến gần 10 giờ sáng chị Minh Vũ (Q.12) đến 2 cửa hàng gần nhà là Vinmart và Bách Hóa Xanh thì cả hai đều không còn rau xanh hay trái cây, trứng gà, vịt... Tình trạng rau xanh, trứng gia cầm liên tục cháy hàng đang diễn ra ở nhiều nơi, nhất là tại các khu dân cư không có siêu thị lớn mà chỉ dựa vào một số cửa hàng tiện lợi nhỏ.

Sáng 18.7: TP.HCM thêm 2.389 bệnh nhân Covid-19 sau 12 giờ

Trong khi việc xếp hàng để mua được thực phẩm thiết yếu quá khó thì việc mua online còn căng thẳng hơn. Chiều qua, chị Nga (Q.Tân Phú) than: “Mình nghe lời nhà nước ở yên trong nhà nên đã 9 ngày nay không ra khỏi nhà, chỉ đặt mua qua online. Ngày 14.7 đặt hàng online và được hẹn ngày 18.7 giao, chiều 17.7 nhận được tin nhắn hủy đơn hàng. Vội chạy ra cửa hàng gần nhất để mua ít thực phẩm thì cửa hàng đã giăng dây...”. Những câu chuyện xếp hàng không mua được rau, đặt đơn online bị hủy... đã và đang diễn ra như cơm bữa tại TP.HCM trong những ngày TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Rau thành phố bị nghẽn lưu thông

Đáng nói là trong khi đó, Hội Nông dân TP.HCM có thư kêu gọi kết nối tiêu thụ vì một số sản phẩm nông nghiệp tại một số địa phương đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Hôm qua, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã phát văn bản gửi các đơn vị trực thuộc vận động công đoàn đứng ra đăng ký tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân; giới thiệu cho các nhà hảo tâm có nhu cầu tiêu thụ nông sản hoặc hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu phong tỏa, khu dân cư, nhà trọ công nhân...
Trao đổi với Thanh Niên chiều 17.7, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho hay thông tin kêu gọi giải cứu là của Hợp tác xã Tương Lai ở H.Củ Chi, nuôi cá nước ngọt và các hộ nông dân nuôi ốc hương, hàu không nơi tiêu thụ do hàng quán đóng. “Chúng tôi đã kết nối giới thiệu với hệ thống Co.opmart và Bách Hóa Xanh, song việc tiêu thụ các mặt hàng đó trong thời điểm hiện tại khó khăn hơn. Người dân tập trung nhu cầu lớn nhất là lương thực, rau củ quả, thịt, trứng. Những mặt hàng này, ngay ngày đầu tiên TP thực hiện Chỉ thị 16, một số nhà nông ở H.Hóc Môn, Củ Chi kêu cứu do giãn cách nên việc thu mua bị gián đoạn. Bên cạnh đó, chợ đầu mối Hóc Môn, nơi tiêu thụ chính nguồn rau củ từ các huyện này đưa về bị đóng cửa. Thực tế, sản lượng rau củ quả sản xuất tại TP.HCM chỉ mới đáp ứng 10 - 15%. Còn lại, TP vẫn phải nhập từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ, Lâm Đồng. Nên nói thừa rau để giải cứu là chuyện hoàn toàn không có. Có chăng chỉ có nguồn rau từ các nhà nông bán về chợ truyền thống, nhưng nay chợ đóng, họ gặp khó khăn tiêu thụ, nhưng các quận huyện đã tổ chức thu mua cho bà con rồi”, ông Hiệp cho biết.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó chủ tịch UBND H.Hóc Môn, cho biết huyện đang triển khai thu mua nông sản hỗ trợ nông dân và bán hàng lưu động tại các xã, thị trấn và các khu phong tỏa. “Chúng tôi giao cho 3 hợp tác xã và 2 công ty đóng trên địa bàn huyện tổ chức thu mua rau củ từ bà con nông dân. Nguồn hàng này được tổ chức bán tại 12 điểm bán hàng lưu động mà địa phương đang tổ chức phối hợp với 17 điểm bán hàng lưu động từ Sở Công thương giới thiệu đưa về”, bà Mỵ Châu thông tin.

Người Sài Gòn đến shop mỹ phẩm, siêu thị ‘bỉm sữa’ mua rau củ quả ngày giãn cách

Siêu thị tăng nguồn cung, tăng điểm bán

Về phân phối, ông Nguyễn Ngọc Đạt, Chủ tịch hệ thống cửa hàng Di Động Việt, cho biết vừa bắt tay bán rau củ quả và thịt, cá với tên gọi “Thực phẩm chia sẻ - Foodshare Market”. Điểm bán này chủ yếu tập trung bán qua kênh online với giá bình ổn. Foodshare Market khuyến khích bán theo nhóm lớn cho khu chung cư, nhóm bạn, nhóm hàng xóm, dùng mô hình xe lưu động cùng Sở Công thương và Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam để triển khai.
Rau củ quả ở các địa phương như Lâm Đồng hiện rất nhiều Ảnh: Lâm Viên

Rau củ quả ở các địa phương như Lâm Đồng hiện rất nhiều

ẢNH: LÂM VIÊN

Theo ông Đạt, đơn vị phối hợp với tổ chức FoodBank Việt Nam - ngân hàng thực phẩm Việt Nam - là tổ chức thiện nguyện nên đã kết nối được với nhiều nhà cung cấp trước đó. Chỉ riêng trong ngày đầu mở bán, ước tính đã bán ra được khoảng 20 tấn rau củ với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Dự kiến trong những ngày tới, Foodshare Market sẽ mở thêm một số điểm bán khác để cung cấp thêm nguồn cung cho người dân. “Đặc biệt nhất Foodshare Market sẽ kết nối với nhiều đối tác lâu năm để cung cấp số lượng lớn rau củ quả nông sản, thủy hải sản giúp bà con nông dân đang không có đầu ra. Chúng tôi cũng đã nhận được lời đề nghị cung cấp hàng trợ giá tốt nhất của 23 doanh nghiệp, nhà cung cấp, trong đó sẽ có combo miễn phí dành cho người khó khăn...”, ông Đạt nói thêm.
Còn ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho hay hệ thống siêu thị này vẫn đang tăng nguồn thu mua rau củ quả từ các tỉnh thành cũng như từ các hợp tác xã tại Củ Chi, Hóc Môn, Q.12 để cung ứng cho toàn hệ thống tại TP. Hiện hệ thống siêu thị này cung cấp hơn 800 tấn rau củ mỗi ngày cho toàn TP và có lúc cao điểm tăng gấp gần 4 lần so với ngày thường. Đơn vị cũng đang tiếp tục sắp xếp để có thể tăng cả nguồn cung lẫn việc bán hàng lên hơn nhưng thực hiện không đơn giản, nhất là liên quan đến nhân sự, phân phối...

Bài học điều tiết và dự trữ hàng hóa

Ông Đinh Minh Hiệp cho hay Sở NN-PTNT và Sở Công thương TP đang bàn giải pháp lâu dài vẫn phải cho kích hoạt một phần chợ đầu mối và chợ truyền thống. Chợ đầu mối là nơi cung cấp 2/3 nguồn rau củ quả cho người dân TP. Trong khi đó, các hệ thống bán lẻ hiện đại gần như đã đổ hết công suất, muốn tăng nữa rất khó. Chỉ có kênh bán lẻ truyền thống mới giúp thị trường lấy lại cân bằng được.

Bộ Công thương: Cân nhắc mở lại chợ truyền thống

Chia sẻ với Thanh Niên chiều 17.7, đại diện Bộ Công thương cho biết đã cử lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước trực tiếp vào miền Nam nắm tình hình cụ thể và kiến nghị những phương án tiếp theo, trong đó có việc cân nhắc mở lại chợ truyền thống nhằm tránh nguy cơ nơi thiếu hàng hóa thiết yếu nhưng nhiều nơi, có địa phương diễn ra chuyện nông dân phải đổ bỏ nông sản.
Lý do của tình trạng trên, theo vị này, chủ yếu đến từ việc đóng cửa chợ truyền thống. “Nếu như đóng cửa nhiều chợ truyền thống, chỉ mở các kênh siêu thị thì một lượng hàng hóa rất lớn vốn đưa vào chợ truyền thống mà nay không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để lên được kệ siêu thị sẽ bị ùn ứ, bí đầu ra”, vị này nói và cho biết, Bộ Công thương cũng kiến nghị các địa phương thực hiện giãn cách với chợ truyền thống, chợ không nên đóng hẳn.
Chí Hiếu
Còn chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nói thẳng hệ thống bán lẻ hiện đại mới đảm trách hơn 30% nhu cầu, số còn lại vẫn phải trông chờ vào hệ thống phân phối truyền thống là chợ, cửa hàng tạp hóa và cả siêu thị mini đảm nhiệm. “Sau hơn 1 tuần TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, tôi nhận thấy có sự lúng túng trong điều phối nguồn hàng. Những trở ngại từ cung đường vận chuyển là có thật, nỗ lực phân luồng xanh cho hàng hóa đến TP.HCM cũng được làm hết mình, song không trơn tru theo ý chí của một đơn vị được mà nó phát sinh vướng mắc liên tục, khiến hàng hóa đứt đoạn bên này, vá bên kia. Bên cạnh đó là tâm lý không tốt của người tiêu dùng khi nhìn thấy sự thiếu hụt trầm trọng đó. Bài học về dự trữ chúng ta cần có trong đợt này. Với sức mua và khối lượng tiêu thụ lớn hằng ngày thì hệ thống bán lẻ nói chung không thể không có cơ số dự trữ hàng hóa nhất định, nhất là các mặt hàng thiết yếu, để có thể tổ chức bán ra đều đặn không bị đứt quãng như đã xảy ra những ngày qua là một điều rất cần thiết”, ông Phú nói và nhấn mạnh: “Bài học này cần phải nhìn nhận một cách khách quan để đánh giá đúng cho những ngày tới, khi gần như toàn miền Nam phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 mà Thủ tướng vừa chỉ đạo chiều 17.7”.

Bản tin Covid-19 ngày 17.7: Cả nước thêm 3.718 ca bệnh mới, áp dụng biện pháp mạnh nhất dập dịch ở phía Nam

 

Nông sản dồi dào nhưng khó vào TP.HCM

Theo Phòng NN-PTNT H.Cần Đước (Long An), từ cuối tháng 5, do các thông tin về việc đưa nông sản vào địa bàn TP.HCM gặp khó khăn trên đường vận chuyển nên nhiều nông dân đã xuống giống ít hơn. Dù vậy, sản lượng rau, củ, quả của Cần Đước sản xuất mỗi ngày vẫn hơn 30 tấn. Ông Lê Văn Giấy, Giám đốc HTX rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, H.Cần Đước), cho biết hiện nông dân không thể tự vận chuyển đi TP.HCM bán được vì vướng các trạm kiểm soát dịch, còn khả năng thu mua, vận chuyển của thương lái tự do thì có hạn vì thiếu nhân công lao động cũng như mối lái tự do nên khó kết nối.
Trong khi đó, giá cả các loại rau, củ quả tại Đồng Tháp thời gian gần đây giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Ông Lê Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết: “Hiện trên địa bàn vẫn còn lượng rất lớn rau màu tồn đọng trong dân. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa thống kê được cụ thể bao nhiêu nên các địa phương rà soát cụ thể để báo cáo nhằm cung ứng cho TP.HCM và các tỉnh”. Đối với việc vận chuyển hàng hóa, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp, cho biết Sở đã kết nối với ngành chức năng TP.HCM để hỗ trợ 600 phương tiện vận tải có mã QR để có “luồng xanh” nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 vào TP.HCM.
Bắc Bình - Trần Ngọc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.