Vắc xin thần tốc - chiến lược chống 'giặc' Covid-19

31/05/2021 11:33 GMT+7

Khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố “Huy động mọi nguồn lực để mua vắc xin”, tôi và nhiều anh em doanh nghiệp thực sự hạnh phúc.

Cần kế hoạch hành động thần tốc

Lời tuyên bố dốc hết toàn lực để chiến đấu chống giặc Covid-19 này, nghe vang vọng như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”.
Lời hiệu triệu này, cần đi kèm một kế hoạch hành động thần tốc, dũng mãnh để huy động sức mạnh toàn dân, như một Hội nghị Diên hồng của thế kỷ 21 để chúng ta có thể chiến thắng cuộc chiến này.
Chấp nhận “tuyên chiến” với Covid-19, chọn cách dùng “sức mạnh toàn dân” trong triển khai chiến lược vắc xin, có lẽ là đáp án hữu hiệu nhất cho câu hỏi: “Chừng nào chúng ta vượt qua đại dịch này!”. Tôi còn nhớ, gần nửa năm trước, tôi có đại diện tiếng nói của nhiều anh em doanh nghiệp trao đổi với báo chí và nhiều đơn vị hữu quan về “chiến lược vắc xin”. Chúng tôi tin đây là một con đường gần như duy nhất để chúng ta tận dụng tất cả lợi thế về thương hiệu quốc gia, về môi trường an toàn… mà ở giai đoạn đầu khi dịch hoành hành khắp toàn cầu, Việt Nam đã là một điểm sáng nhờ toàn xã hội đồng lòng với các giải pháp hữu hiệu của chính phủ, dù có làm ảnh hưởng, hạn chế đến cuộc sống và kinh doanh của mọi người.
Nhưng chúng ta đã chọn giải pháp không để doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tham gia vào việc mua và tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo mô hình xã hội hóa. Chúng ta chọn để nhà nước lo việc vắc xin.
Rất nhanh, khi mà chúng ta vẫn đang lúng túng về việc thắt chặt quản lý việc xét nghiệm và tiêm ngừa vắc xin theo những quy định cũ, thì các quốc gia từng bị lên án là “rất chủ quan với dịch bệnh” như Mỹ, Ý… đã có thể mở cửa để tái thiết nền kinh tế của họ nhờ chủ trương tiêm chủng toàn dân. Thậm chí, ở nhiều bang của Mỹ, chính quyền còn “khuyến mãi” thêm quà tặng cho những ai đi tiêm vắc xin. Và thực tế, kinh tế của họ đã bắt đầu phục hồi. Tôi thì lo lắng không biết người láng giềng Thái Lan đang hành xử như thế nào, vì họ luôn muốn thử nghiệm tất cả giải pháp có thể có để thu hút du lịch, đầu tư.
Việt Nam chúng ta, điều tự hào nhất là “nghĩa đồng bào”, ai cũng muốn chung tay để chống dịch, góp phần mình vào các quỹ vắc xin. Ai cũng ráng đóng tiền vô các quỹ này. Tôi hỏi một chủ doanh nghiệp trẻ về việc bạn góp quỹ vắc xin do một tờ báo khởi xướng, bạn nói, đơn giản lắm: “Hy vọng một ngày nào đó bản thân em được tiêm vắc xin, lúc đó doanh nghiệp em có thể sống lại, gia đình em và nhiều gia đình khác cũng đỡ vất vả nhiều”. Góp tiền cho quỹ vắc xin, cách nay chưa đầy 48 giờ đồng hồ, là cách duy nhất mà các doanh nghiệp có thể làm thay vì đứng im chịu đựng cảnh doanh nghiệp, nhà máy, công nhân và toàn bộ việc kinh doanh của mình cứ mỗi ngày lịm đi, và sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng yếu dần.
Sau tuyên bố của Thủ tướng, cứ chốc chốc tôi lại mở các bản tin trên báo ra xem, hy vọng nhìn thấy “cơ chế đặc biệt” cho phép doanh nghiệp, hay bất kỳ ai cũng có thể tham gia “chiến lược vắc xin toàn dân” này. Cơ chế, là thứ gì đó rất khó định nghĩa, vì dính dáng tới hầu hết mọi cơ quan ban ngành, nên nếu thiếu sự quyết tâm, “toàn dân” khó mà được góp tay “mua và tiêm vắc xin” cho bản thân mình, cộng đồng quanh mình, và đặc biệt là hệ thống sản xuất kinh doanh của mình. Tôi vẫn chưa thấy thông tin gì thêm, ngoại trừ các tin tức cứ dồn dập: số lượng ca nhiễm tăng mạnh, chủng Covid-19 biến đổi, mỗi ngày có hơn 400 doanh nghiệp qua đời, lượng đầu tư trực tiếp FDI vào Việt Nam giảm dần. Đến mức, một thông điệp rất rõ ràng của những nhà đầu tư quốc tế đưa ra: hầu hết các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẵn sàng chi trả chi phí tiêm vắc xin cho toàn bộ nhân viên của mình.

Lập Uỷ ban đặc nhiệm vắc xin ?

“Chống dịch như chống giặc”, nên mỗi ngày trôi qua, là rất nhiều cơ hội trôi qua. Ai cũng đang trông chờ “cơ chế để toàn dân tham gia mua vắc xin”. Những người làm doanh nghiệp như chúng tôi thực sự mong muốn được tham gia vào cuộc chiến chống giặc Covid-19 này.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của nhiệm kỳ trước cũng khẳng định tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra phương châm "ba không" - không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu thể chế. Vấn đề còn lại là “việc phải làm ngay”: không thiếu tiền (chính phủ + doanh nghiệp + nhân dân đóng góp), không thiếu nhân lực (Bộ Y tế, doanh nghiệp chuyên môn ngành dược…), không thiếu thể chế (Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng). Ngày 26.5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 với các hạng mục chi khá rõ.
“Về nguồn kinh phí để mua vắc xin, ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỉ đồng, còn ngân sách địa phương dự kiến chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỉ đồng.
Số tiền này dự kiến được sử dụng cho hai mục đích: mua 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 với kinh phí dự kiến khoảng 21.000 tỉ đồng; vận chuyển, bảo quản, phân phối và tổ chức tiêm chủng cho khoảng 75 triệu người với kinh phí dự kiến khoảng 4.200 tỉ đồng, theo Bộ Y tế”.
Bước tiếp theo, theo thiển ý của chúng tôi, là một Ủy ban đặc nhiệm vắc xin trực thuộc Thủ tướng nên được thành lập. Ủy ban này có thể có các chuyên gia từ nhiều ngành và đại diện doanh nghiệp chuyên môn. Ủy ban phải có trách nhiệm và quyền cao nhất về chích vắc xin cho toàn dân và tất nhiên là có hạn hoạt động.
Thời gian không cho phép chúng ta “nói” nữa, mà “làm”. Tầm nhìn đã rõ, vấn đề là làm sao thực thi nhanh nhất, tháo gỡ những vướng mắc cụ thể nhất để ngày mai, hoặc tuần sau, chúng ta có thể có vắc xin mà không phải chờ đợi Bộ Tài chính giải ngân với nhiều bước khác nhau. Đơn giản là vì doanh nghiệp và người dân có thể “hùn tiền” cho việc này. 25.000 tỉ đồng, 11.000 tỉ đồng hay 3.000 tỉ đồng là các con số đã được đưa ra, tất cả đều là “hợp lý” nếu so với cơ hội và những mất mát sẽ xảy ra nếu chúng ta chậm thêm một nhịp nữa trong việc thực thi chiến lược vắc xin. Rồi còn nhiều việc về kỹ thuật như đàm phán giá cả, nguồn vắc xin… cũng khá mất thời gian. Chính phủ cần đưa ra hạn chót tiêm phòng cho 70% dân số là khi nào, 31.12.2021 hay 31.12.2022?
Tôi vẫn luôn tin rằng, “xã hội hóa” là giải pháp hiệu quả nhất trong đợt đánh nhau với giặc Covid-19 này. Tôi biết nhiều doanh nghiệp đã cùng nhau đàm phán với các nhà cung cấp vắc xin để sẵn sàng mang về nhiều triệu liều “thuốc giải” Covid-19. Tôi nghe nhiều địa phương cũng muốn chủ động hoàn toàn trong việc xét nghiệm, mua và chích vắc xin cho người dân của mình. Tôi cũng biết vô cùng nhiều người dân sẵn sàng “mua vắc xin” để ổn định cuộc sống, vì tin rằng nước mình còn nghèo, sao mà tài trợ toàn dân tiêm chủng vắc xin trong thời gian ngắn được.
Năm 2020, chúng ta được vinh danh là một trong những quốc gia thành công trong chống đại dịch. Khi ấy nhiều tiếng nói đã cảnh báo về việc “ngủ quên trên chiến thắng” hay bệnh chủ quan. Thực ra chúng ta không ngủ quên, cũng không chủ quan. Nhưng sự thận trọng quá mức có thể khiến chúng ta bị tụt lại một khi các quốc gia “cạnh tranh” lân cận về đích trước chỉ trong tích tắc cuộc chiến vắc xin này.
Đánh giặc Covid-19, hãy như quân Quang Trung thưở xưa: “thần tốc” và dùng đội quân áo vải cờ đào để giành chiến thắng cho người dân mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.