Lỗ kép khi dính vào vàng
Sau Tết Nguyên đán, giá đất tại TP.Đà Nẵng tăng liên tục, chị Ngô (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) thấy bạn bè ăn tết rủng rỉnh nhờ mua đi bán lại đất, chị liền quyết định mượn người thân 10 lượng vàng SJC bán được 360 triệu đồng hùn với bạn bè mua đất. Xui cho chị, ngay sau đó thị trường bất động sản chững lại, đất nằm im đó chưa biết bao giờ bán được mà chỉ tính riêng vàng đã lỗ hơn 60 triệu đồng. "Giờ chưa bán được đất nên cũng chẳng có tiền mà mua vàng trả”- chị than.
Chị Lan (Q.7, TP.HCM) lại dở khóc dở cười khi nhanh tay bán 17 lượng vàng ở giá 39 triệu đồng/lượng khi nghĩ đây là mức đỉnh. Không ngờ ngay sau đó, vàng vượt qua mức 40 triệu đồng/lượng vàng SJC, chị Lan tự an ủi giá sẽ giảm để mua vào và lại tiếp tục chờ đợi. Cứ thế, vàng tăng lên 41 triệu đồng, phá mức 42 triệu đồng lên 43 triệu đồng mỗi lượng. Chị Lan chỉ còn biết kêu trời. Để mua lại 15 lượng vàng trên, chị phải bù lỗ khoảng 60 triệu đồng. “Đúng là tham, chưa thấy lời chỗ nào mà từ ngày bán ra lượng vàng trên lại ôm vào lo lắng khi giá cứ ngày càng tăng. Thôi thì chờ giá giảm về lại mức 40 - 41 triệu đồng, mua dần một ít”- chị lên kế hoạch.
Nhiều người cũng lỗ nặng trước sự tăng giá quá mạnh của vàng trong 3 tháng gần đây. Thực tế, giá vàng miếng SJC tăng gần 7 triệu đồng/lượng, khoảng 19% chỉ trong một thời gian ngắn. Một số trường hợp còn bán vàng chơi chứng khoán, lỗ cả 2 đầu, vừa giá vàng tăng mà cổ phiếu lại sụt giảm.
Người bán vàng lỗ nhưng người mua vàng cũng không phải ai cũng sung sướng. Khi thấy giá vàng tăng mạnh vào đầu tuần trước những thông tin cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, một khách hàng tuổi trung niên quyết định rút tiền tiết kiệm hơn 150 triệu đồng mua 3,5 lượng vàng ở mức giá trên 43 triệu đồng/lượng. Đến chiều cùng ngày, giá mua vàng miếng SJC giảm về 42,2 triệu đồng/lượng. Như vậy chỉ trong một ngày, vị khách này đã lỗ 2,8 triệu đồng/lượng, đó là chưa kể tiền lãi tiết kiệm ngân hàng rút trước hạn bị mất.
Giữ vàng gần 10 năm vẫn chưa huề vốn
Mức cao nhất mà vàng miếng SJC đạt được trong lịch sử là trên 49 triệu đồng mỗi lượng vào năm 2011 khi giá vàng thế giới tăng lên mức đỉnh 1.932 USD/ounce. Giá vàng thời điểm đó cao hơn giá thế giới từ 1,2 - 1,4 triệu đồng mỗi lượng nhưng người dân vẫn có xu hướng mua vào khi các dự báo đưa ra vàng có thể lên trên 50 triệu đồng/lượng. Bà Mai (Q.7, TP.HCM) nhớ lại : Thời điểm đó, giá vàng tăng liên tục đã không kiềm chế được nên đi rút tiền tiết kiệm tiền đồng mua 4 lượng vàng giữ cho đến tận hôm nay. "Lúc đó nghĩ mua vàng để phòng thân, nếu có lời càng tốt, nhưng giữ gần 8 năm, số vàng này không sinh lời gì, có lúc giá giảm về 35 triệu đồng/lượng, lỗ hơn 10 triệu đồng mỗi lượng"- bà nói và cho biết, trong đợt vàng tăng giá gần đây, bà quyết tâm sẽ bán ra để thu về tiền đồng gửi tiết kiệm lĩnh lãi thêm tiền rau chợ hằng ngày
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB) cho hay việc lướt sóng vàng là điều không nên, đặc biệt những người không thường xuyên theo dõi giá vàng. Mặc dù giá vàng trên thị trường quốc tế dự báo tăng nhưng giá vàng không phải lúc nào cũng đi theo chiều hướng tăng. Xu hướng tăng nhưng vàng vẫn gập ghềnh, giảm xuống rồi mới tăng tiếp. Giá vàng có thể tăng cả triệu đồng mỗi lượng nhưng cũng có thể giảm mức tương ứng. Chọn lựa thời điểm mua vàng lúc nào, mua với giá nào để không chịu thiệt trong cơn bão vàng hiện nay là điều không phải dễ. Những người “trúng lớn” từ vàng là những cá nhân mua tích cóp trong nhiều năm qua khi vàng chỉ quanh mức 35 - 37 triệu đồng/lượng. Đồng thời, những tiệm vàng có trữ lượng vàng tồn lớn thì giá vàng tăng sẽ giúp cho tài sản tăng lên.
Theo ông Hải, nguồn tiền mua vàng trước tiên phải là tiền nhàn rỗi, chưa dùng đến. Tuyệt đối không được bán chứng khoán, bất động sản, rút tiền tiết kiệm ngân hàng chỉ để mua vàng. Việc mua vàng là để nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, bảo toàn vốn giữ trong một thời gian dài, chứ không nên mua bán liên tục.
Bình luận (0)