Viêm da nổi cục trên trâu bò nguy cơ thành đại dịch

15/04/2021 06:26 GMT+7

Ca bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò phát hiện đầu tiên tại Việt Nam tháng 10.2020...

Ca bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò phát hiện đầu tiên tại Việt Nam tháng 10.2020, chỉ sau vài tháng đã lan rộng ra hơn 20 tỉnh, thành và nguy cơ rất cao trở thành đại dịch trong khi vắc xin chữa bệnh này đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Lây lan rất nhanh

Tại tỉnh Thái Nguyên, theo ghi nhận H.Đồng Hỷ là địa phương mới nhất công bố dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) khi nhiều trâu, bò tại xã Minh Lập mắc bệnh. Gia đình bà Lê Thị Ba (xóm Trại Cài, xã Minh Lập) có 20 con bò thì đến nay có 4 con phát bệnh. Theo bà Ba, không có thuốc chữa nên hiện gia đình chỉ sát trùng, vệ sinh chuồng trại theo hướng dẫn của thú y. Tuy nhiên, những con bệnh nặng ngày càng yếu đi, nấu cháo cho cũng không ăn nổi.
Theo UBND H.Đồng Hỷ, trong 15 ngày từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên, dịch VDNC đã lan ra 12 xã, thị trấn với 82 con bò mắc bệnh. Ông Đỗ Danh Nhân, Phó chủ tịch UBND H.Đồng Hỷ, cho biết đã quán triệt đến địa phương, nếu ghi nhận có dịch thì công bố ngay và yêu cầu người dân cách ly gia súc nhiễm bệnh ra khu chuồng riêng, không chăn thả cũng như ngừng vận chuyển, buôn bán để ngăn dịch lây lan.
Thống kê mới nhất từ Chi cục Thú y, chăn nuôi và thủy sản tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch VDNC đã xuất hiện tại 416 hộ ở 64 xã thuộc 8/9 huyện, thị xã và TP, với 593 trâu, bò nhiễm bệnh, trong đó 25 con đã chết.
Tại tỉnh Thái Bình, dịch VDNC cũng lây lan rất nhanh. Theo Sở NN-PTNT Thái Bình, từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện trên một con bò của hộ chăn nuôi tại xã Minh Tân (H.Kiến Xương) ngày 27.2, đến nay VDNC xuất hiện tại 219 hộ chăn nuôi ở 45 xã thuộc 8 huyện, TP, với tổng cộng 349 gia súc mắc bệnh, trong đó 20 con phải tiêu hủy.
Viêm da nổi cục trên trâu bò nguy cơ thành đại dịch 1

Cán bộ thú y tỉnh Thái Bình lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm dịch VDNC

“Xé rào” để nhập vắc xin

Ông Phạm Thành Phương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Thái Bình, cho rằng ở các điểm có ổ dịch thì cơ quan thú y hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly gia súc mắc bệnh, phun hóa chất khử trùng chứ chưa có vắc xin để tiêm phòng trên diện rộng. Để phòng bệnh hiệu quả, vắc xin VDNC phải tiêm dưới da và kỹ thuật này rất khó, nên trong khi chờ đợi vắc xin, cơ quan thú y mở lớp tập huấn cho cán bộ thú y cấp xã. “Mỗi xã có 2 cán bộ thú y đi tập huấn tiêm, chờ khi được cấp vắc xin thì sẽ tiến hành tiêm ngay cho đàn trâu, bò”, ông Phương nói.
Theo ông Lê Đắc Vinh, Giám đốc Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản Thái Nguyên, địa phương này được cấp 4.000 liều vắc xin, chỉ đủ tiêm cho đàn trâu, bò ở ngay gần với ổ dịch, trong khi đàn gia súc cần bảo vệ lên tới 90.000 con. “Chúng tôi đang đề nghị Cục Thú y cấp thêm khoảng 20.000 liều và đề xuất tỉnh trích ngân sách mua thêm 55.000 liều để ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh mới rất nguy hiểm này”, ông Vinh nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Long, Cục phó Cục Thú y, cho hay có 3 loại vắc xin phòng chống được dịch VDNC, song chưa có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại VN. Trước yêu cầu chống dịch cấp bách, Bộ NN-PTNT đã cho phép nhập khẩn cấp vắc xin từ nước ngoài về VN. “Để kiểm tra chất lượng vắc xin trong phòng thí nghiệm thông thường phải mất khoảng 2 tháng, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nhu cầu vắc xin khẩn cấp, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với các địa phương vừa triển khai tiêm phòng vừa đánh giá chất lượng vắc xin. Theo đó, thời gian phải đợi để có vắc xin tiêm phòng được rút xuống chỉ còn 8 ngày”, ông Long thông tin và cho biết thêm Cục Thú y đã cấp phép cho 2 doanh nghiệp nhập khẩu 3 loại vắc xin từ các nước Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập với số lượng trên 4,1 triệu liều. “Các doanh nghiệp đã nhập được 680.000 liều, trong tháng 4 này sẽ có thêm khoảng 1 triệu liều về VN”, ông Long nói.
23 tỉnh, thành có dịch
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), VDNC là bệnh mới xuất hiện trên đàn trâu, bò tại nước ta. Do không có thuốc chữa nên đến nay chỉ sau nửa năm, dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều địa phương.
Từ tháng 10.2020 - 30.3.2021, cả nước ghi nhận 602 ổ dịch VDNC tại 582 xã thuộc 130 huyện của 23 tỉnh, thành với 12.731 con gia súc mắc bệnh, phải tiêu hủy 920 con. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, cơ quan thú y xác nhận 497 ổ dịch tại 492 xã thuộc 103 huyện thuộc 22 tỉnh, thành với 11.290 gia súc mắc bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.