Chọn Fintech để phát triển
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường đại học Fulbright, cho biết trên thực tế, các trung tâm tài chính (TTTC) vẫn có sự dịch chuyển. Nếu như trước đây thường nhắc đến là Frankfurt (Đức) hay Zurich (Thụy Sĩ) thì nay nổi lên hàng đầu là các trung tâm London (Anh), New York (Mỹ) hay Singapore và Thượng Hải (Trung Quốc). So với nhiều nước, quy mô và vị thế của VN còn rất nhỏ. Tuy nhiên, VN nói chung và TP.HCM vẫn có thể gia nhập được vào danh sách các TTTC lớn và sau đó từng bước tiến dần lên.
Để làm được điều đó, theo TS Vũ Thành Tự Anh, cần có lựa chọn chuyên biệt hóa để đầu tư về nguồn lực, vốn, cơ sở hạ tầng tương ứng. Điều này đồng nghĩa với việc phải tiếp cận việc xây dựng TTTC theo một hướng khác mà không theo con đường truyền thống. Xu thế toàn cầu hiện nay đối với các trung tâm tài chính, trong đó vai trò của các ngân hàng đầu tư đang suy giảm và ngày càng tăng vai trò các công ty quản lý tài sản và fintech (dịch vụ tài chính kết hợp công nghệ).
Fintech đi đôi với dữ liệu lớn (big data) là tài nguyên của thế kỷ 21. Vì vậy, TP.HCM cần tìm “thị trường ngách” để tạo sự khác biệt và đột biến. Ví dụ, tạo ra các trung tâm giao dịch hàng hóa, sau đó là các dịch vụ fintech và cuối cùng là cần giải pháp tổng thể, kết hợp giải pháp trung ương và nỗ lực của địa phương.
Cùng quan điểm, TS Lê Hồng Giang, Giám đốc Chiến lược đầu tư quỹ Tactical Global Management (Brisbane, Úc), phân tích xu hướng tương lai của toàn bộ hệ thống tài chính thế giới là fintech. Đây cũng là động lực chính để phát triển các TTTC. Giới hạn địa lý của các hoạt động tài chính ngày càng bị xóa mờ. Một công ty tài chính ở TP.HCM vẫn có thể cung cấp được các dịch vụ ra toàn cầu. Ví dụ, Công ty World Quant có hoạt động ở nhiều nước đã mở chi nhánh tại TP.HCM để làm nghiên cứu kỹ thuật xác định mua bán đầu tư cổ phiếu ở khắp nơi trên thế giới. Hay một công ty hoàn toàn của VN là Trusting Social thực hiện dịch vụ đánh giá rủi ro tín dụng với người vay ngân hàng. Chỉ mới ra đời vài năm, hiện công ty đã chiếm khoảng 80% đánh giá rủi ro tín dụng ở VN và sang được Ấn Độ, Malaysia và Philippines với hơn 300 triệu hồ sơ khách hàng.
“Một sản phẩm tài chính nhỏ cũng rất dễ bung ra lớn trên tầm thế giới. Với trí tuệ thì giấc mơ thành một TTTC quốc tế không có gì là viển vông. Dịch vụ tài chính sẽ dịch chuyển theo chuỗi và VN có cơ hội tham gia vào chuỗi này. Chỉ cần nói tôi cũng là một mắt xích trong chuỗi này là có đủ giá trị thu hút dòng vốn chứ không phải là chuyện có nhiều công ty, nhiều quỹ lớn như trước đây”, TS Lê Hồng Giang chia sẻ.
Không làm hết cơ hội
Nhắc lại năm 2002, Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển TP.HCM thành TTTC của cả nước và từng bước thành TTTC của khu vực ASEAN, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nói thêm, năm 2012, nội dung này được khẳng định lại nhưng gần đây dường như ý tưởng này ít được nhắc và càng mờ nhạt trong chính sách.
“Phát triển TP.HCM thành TTTC quốc tế là vấn đề quốc gia, không phải là chuyện địa phương. Nếu đó là chiến lược quốc gia được Chính phủ chỉ đạo thì mới thành công, nếu không thì như trước đây khi hồ hởi đặt ra nhưng cũng không đến đích”, TS Trần Du Lịch khẳng định.
Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi từ các chuyên gia, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TP quyết tâm làm đề án này. Trước hết, đặt mục tiêu TP.HCM trở thành TTTC của cả nước do nhu cầu vốn của TP và cả nước rất lớn. Việc đề án chưa thành công theo ông Nhân là do TP chưa đeo bám quyết liệt với T.Ư và T.Ư cũng chưa quan tâm đúng mức. Hiện TP.HCM đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và sẽ làm quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, TP đang đẩy mạnh đô thị thông minh, đẩy mạnh nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và ứng dụng từng bước vào thực tiễn; hoàn thiện hạ tầng giao thông; hiện đại hóa quy hoạch đô thị và tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp sáng tạo của TP, trong đó sẽ quan tâm khởi nghiệp công nghệ tài chính…
Bí thư Thành ủy giao UBND TP đến tháng 10 phải xong đề án đề cương chi tiết để báo cáo Thành ủy và sau đó báo cáo Thủ tướng. Trên cơ sở đó sẽ xem xét hoàn chỉnh thiết kế về phần cứng như hạ tầng, quy hoạch... để khoảng tháng 6.2020 đưa ra đấu thầu xây dựng cơ sở vật chất của TTTC ở Thủ Thiêm.
VN nên nghĩ đến việc phát triển một khu tài chính đặc biệt để tránh nhầm lẫn với khu kinh tế đặc biệt. Với khu tài chính đặc biệt, chúng ta có chuẩn mực tài chính quốc tế cao nhất, tạo ra một vụ nổ đủ lớn kiểu “Big Bang” để TP.HCM xứng đáng trở thành TTTC của VN và khu vực.
TS Trần Ngọc Thơ, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Xây dựng TTTC cần tính đến việc tác động của nó lên thị trường vì gắn liền với sự luân chuyển nhanh hơn của dòng vốn quốc tế, gắn liền với lộ trình tự do hóa dòng vốn và xử lý tình trạng đô la hóa.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước
|
Bình luận (0)