Xuất khẩu của TP.HCM đã có dấu hiệu chững lại

Nguyên Nga
Nguyên Nga
17/10/2019 20:18 GMT+7

Nhận định trên được ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM đưa ra tại Hội nghị chuyên đề về tình hình đầu tư và xuất khẩu do UBND TP.HCM tổ chức hôm nay (17.10).

Cụ thể theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, trong gần 10 năm nay, tốc độ tăng trưởng hằng năm dưới 10%. Tuy kim ngạch xuất khẩu của thành phố vẫn tiệm cận với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam nhưng từ chỗ đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của cả nước mấy năm đầu, đến nay, thành phố chỉ đóng góp gần 16%. Đặc biệt, xuất khẩu nhóm hàng vi tính, các sản phẩm điện tử và linh kiện từ 2,55 tỉ USD năm 2012 đến 2018 lên 9,74 tỉ USD. Trong khi đó, nhóm hàng xuất khẩu sử dụng lao động nhiều như dệt may, da giày có tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn, chỉ 2%.
Tham khảo số liệu xuất khẩu của top 5 tỉnh thành có kim ngạch xuất khẩu lớn như TP.HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương và Đồng Nai, ông Hòa nhận định, địa phương nào có đầu tư tập trung sản xuất công nghệ cao, kỹ thuật cao đều có mức tăng trưởng xuất khẩu rất tốt. Bắc Ninh là điển hình. Tỉnh này tăng trưởng đột phá do có nền công nghiệp sản xuất công nghệ cao phát triển. Hiện kim ngạch xuất khẩu đang ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2005 các thành phần kinh tế trong nước chiếm 55% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45% thì đến cuối năm 2018 cơ cấu tương ứng là 48,9% và 51,1%.

Bớt kiểm tra chuyên ngành để hội nhập tốt hơn

Góp ý tại Hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier đề xuất TP.HCM sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó phát triển hệ thống logictics đồng bộ, kết nối hạ tầng giao thông với các tỉnh, thành trong khu vực. “Các rào cản về kiểm tra chuyên ngành, chính sách thuế, thủ tục xuất nhập khẩu cần giảm thiểu tối đa. Nếu không đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững cho sản xuất dài hạn, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng rất khó tận dụng tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”, ông Nicolas Audier nhận xét.

Mô hình tăng trưởng "cá chép" theo ý tưởng của Sở Công thương

Ng.Ng

TS Đinh Công Khải - Viện trưởng Viện Chính sách công (Đại học Kinh tế TP.HCM) khuyến nghị, trong ngắn hạn thành phố vẫn phải duy trì những nhóm ngành hiện hữu có quy mô xuất khẩu lớn, tạo nhiều công ăn việc làm và thu ngân sách như điện tử, dệt may, da giày, nông - thủy hải sản… Tuy nhiên về lâu dài, cần phải tích cực chuẩn bị các nền tảng cho việc nâng cấp công nghiệp và dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu. Thành phố cần giảm dần các hoạt động sản xuất hàng hóa thâm dụng lao động, chuyển sang cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thâm nhập sâu chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho những sản phẩm này. Đặc biệt, chuẩn bị nền tảng về công nghệ và nguồn nhân lực để có thể sản xuất và xuất khẩu các nhóm ngành kỹ thuật liên quan đến điện tử, cơ khí lắp ráp, chế tạo, tự động hóa. Thiết kế, chế tạo dụng cụ sản xuất, linh kiện cho các ngành công nghiệp khác.
Vấn đề ông Khải nêu cũng chính là 1 trong 5 quan điểm trong hướng phát triển sắp tới của thành phố. Về tăng trưởng, ông Nguyễn Ngọc Hòa đưa ra mô hình “cá chép”, trong đó nhấn mạnh các dịch vụ nền tảng về công nghệ, nguồn nhân lực và tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ FTA để hỗ trợ xuất khẩu (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xúc tiến thương mại và logistics). Kế đến phần thân cá là xây dựng nền tảng cho các sản phẩm truyền thống và có thế mạnh. “Nếu chúng ta phối hợp làm tốt, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có sản phẩm tiềm năng có cơ hội tăng tốc trong thời gian tới”, ông Hòa nêu quan điểm.
Theo Sở Công thương TP.HCM, ước xuất khẩu của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tăng bình quân 7%/năm, trong đó các FTA góp phần tăng xuất khẩu khoảng từ 2-3%/năm. Cụ thể, năm 2020 xuất khẩu của thành phố đạt khoảng 49 tỉ USD; giai đoạn 2021-2025 đạt 80 tỉ USD/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt 129 tỉ USD/năm, tăng bình quân 10%/năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.