Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại cuộc họp báo diễn ra lúc 17 giờ hôm qua (14.2).
Theo ông Tiến, việc NHNN siết lại tăng trưởng tín dụng trong năm 2012, đồng nghĩa với việc các tổ chức này phải cơ cấu lại các khoản nợ, thu hồi nợ cũ, cho vay khoản nợ mới có hiệu quả. Điều này giúp tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại danh mục tài sản chất lượng hơn, an toàn hơn. Trước đó, nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành cùng lúc Chỉ thị số 01 và Công văn số 647 với 14 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012, trong đó vấn đề then chốt là kiểm soát chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt chính sách tiền tệ. NHNN bỏ quy định cào bằng hạn mức tăng trưởng tín dụng, bắt bệnh các TCTD, chia làm 4 nhóm để “kê đơn, bốc thuốc”. “Các tiêu chí để phân loại có rất nhiều như vốn, năng lực điều hành, chất lượng tài sản nợ - có, quản trị, sai phạm trong tuân thủ chính sách…”, ông Tiến nói.
Ngoài 4 nhóm trên, còn một nhóm khác là các TCTD nước ngoài vừa tăng vốn điều lệ, theo ông Tiến, NHNN đồng ý cho phép tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 tối đa bằng vốn điều lệ. Tất cả hạn mức tăng trưởng trên sẽ được giữ nguyên trong 6 tháng đầu năm, sau đó, tùy vào tín hiệu của thị trường, NHNN tiến hành đánh giá lại, nếu tích cực sẽ xem xét nới lỏng, nếu diễn biến không thuận lợi sẽ phải thắt chặt hơn. Hiện có khoảng 10 ngân hàng phải tái cơ cấu lại, việc này đang được tiến hành.
|
Tiếp tục kiểm soát chặt đối với BĐS
Liên quan đến tín dụng lĩnh vực phi sản xuất, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết năm 2012 sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho vay đối với chứng khoán (CK), bất động sản (BĐS), cho vay tiêu dùng. Mức tăng trưởng chung của lĩnh vực này là không quá 16%, nguồn vốn chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ với mức tăng bình quân 15-17%. Đánh giá về việc thực hiện cho vay phi sản xuất không quá 16% trong 2011, ông Tiến cho biết, tỷ trọng cho vay phi sản xuất đã được NHNN kiểm soát, đến cuối 2011 chiếm 11,3% tổng dư nợ, tuy nhiên có một vài TCTD vượt 16% và NHNN sẽ có biện pháp cảnh báo, xử lý trong thời gian tới. Riêng tỷ trọng cho vay BĐS năm 2011 xấp xỉ 10%, đến nay giảm xuống còn dưới 9% so với dư nợ chung. “CK, BĐS là lĩnh vực tiếp tục không được ưu tiên trong 2012, tuy nhiên sẽ có điều chỉnh thích hợp ở từng phân khúc nhưng không dàn trải nguồn vốn”, ông Tiến nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí về hành vi lách trần lãi suất huy động 14%/năm, ông Nguyễn Đăng Hồng - Phó chánh thanh tra giám sát NHNN, cho biết, Thống đốc đã có chỉ thị, hành động quyết liệt xử lý nghiêm minh một số TCTD. Đến nay về cơ bản tất cả đều thực hiện nghiêm túc. “Nếu TCTD nào tiếp tục lách trần sẽ xử lý rất nghiêm theo quy định của NHNN. Cụ thể, khi phát hiện vi phạm sẽ thanh tra, kiểm tra ngay, nếu phát hiện xử lý cá nhân ở mức cao nhất như buộc thôi việc, cách chức hoặc xử lý theo pháp luật. NH vi phạm sẽ bị hạn chế hoạt động mở chi nhánh, phòng giao dịch, ATM”, ông Hồng nói.
Nhanh chóng thu, đổi tiền cho các thương nhân vụ cháy chợ Quảng Ngãi Liên quan đến việc thu đổi tiền bị cháy tại chợ Quảng Ngãi, ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ cho biết, NHNN đã chỉ đạo Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Ngãi và các TCTD phải nhanh chóng đứng ra làm đầu mối trực tiếp giải quyết việc thu đổi cho các thương nhân. NHNN đã cử đoàn chuyên gia vào Quảng Ngãi để phối hợp nắm tình hình, giám định và hướng dẫn xử lý trực tiếp những trường hợp thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông trên địa bàn. Theo ông Thành, tiền được đổi phải đảm bảo tỷ lệ biến dạng không quá 70%, và đảm bảo được 2 trong 4 yếu tố bảo an như đồng tiền thật do NHNN phát hành và đang lưu hành. Cho đến chiều qua, theo báo cáo của Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Ngãi, mới chỉ có 1 hộ tiểu thương đem đến 436 triệu đồng đổi lại. NHNN đang cử Phó cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ thẩm định lại tiền này, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ nhanh chóng đổi lại. Thanh Xuân - Anh Vũ |
Anh Vũ
Bình luận (0)