Tài liệu dạy tiếng Anh của Việt Nam ‘quá tham vọng’: Còn gì khác nữa?

Tài liệu dạy tiếng Anh của Việt Nam ‘quá tham vọng’: Còn gì khác nữa?

14/12/2022 11:10 GMT+7

Theo chuyên gia, việc học và dạy tiếng Anh tại Việt Nam còn tồn đọng nhiều vấn đề, nhất là trong những cơ sở giáo dục phổ thông và đại học.

Phát biểu trong một hội thảo quốc tế mới đây tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, PGS-TS Naeema Begum Hann của Trường Giáo dục ĐH Leeds Beckett (Anh), cho rằng có một số vấn đề đang tồn tại trong cách dạy tiếng Anh tại Việt Nam.

Chẳng hạn, thiếu cơ hội thực hành ngoài giờ, học sinh với năng lực chênh lệch sắp chung một lớp và đặc biệt là tài liệu giảng dạy của thầy cô Việt Nam đang được biên soạn “quá tham vọng” dẫn đến việc học sinh phải cố gắng viết về những khái niệm trừu tượng, coi trọng ngữ pháp trong khi chưa sẵn sàng về mặt ngôn ngữ.

Thiếu môi trường và cơ hội thực hành

Bình luận về quan điểm trên, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, giảng viên khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), đồng tình rằng thiếu cơ hội sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học là nguyên nhân chính khiến việc học không đạt kết quả như mong muốn. “Bởi không riêng gì tiếng Anh, bất cứ kỹ năng nào cũng đòi hỏi sự rèn luyện thông qua sử dụng”, bà Phương Anh khẳng định.

Thiếu cơ hội sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học là một hạn chế lớn với học sinh Việt Nam

Đ.N.T

Theo chuyên gia, trình độ người học chênh lệch cũng là một yếu tố khiến việc dạy và học tiếng Anh thiếu hiệu quả, nhưng trong trường hợp này, nguyên nhân sâu xa nằm ở năng lực của giáo viên.

“Trách nhiệm của giáo viên là phải nhận ra những điểm yếu cần bổ sung của từng người học và có những phương pháp sư phạm phù hợp để mọi người đều có thể theo được bài học, chương trình học”, bà Phương Anh lưu ý.

Về nhận định tài liệu giảng dạy tại Việt Nam “quá tham vọng”, tiến sĩ Phương Anh chỉ đồng ý một phần. Theo bà, đúng là chúng ta quá chú trọng ngữ pháp, nhưng đối với người học tiếng Anh như một ngoại ngữ thì ngữ pháp cũng rất cần thiết.

“Tôi nghĩ vấn đề chính là thiếu môi trường và cơ hội thực hành. Ngoài ra, cần lưu ý rằng việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam có sự chênh lệch về vùng miền rất lớn. Trong khi đó, chương trình lẫn tài liệu giảng dạy là thống nhất trên toàn quốc nên không đáp ứng được sự đa dạng này”, bà Phương Anh chỉ ra một số hạn chế hiện nay.

Chuyên gia nhận định chương trình lẫn tài liệu giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam chưa đáp ứng yếu tố chênh lệch vùng miền

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cũng theo chuyên gia, dù chương trình phổ thông mới phát hành nhiều bộ sách nhưng sự khác biệt giữa các bộ sách vẫn chưa lớn. Mặt khác, các bộ sách đều được soạn để giảng dạy chung trong một cấp lớp mà không có sự khu biệt theo đặc thù của vùng miền hay đối tượng.

Trường ĐH thiếu phòng học, giảng viên

Chia sẻ về những vấn đề liên quan đến việc dạy và học tiếng Anh ở bậc ĐH, tiến sĩ Đoàn Thị Huệ Dung, Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý nhiều trường ĐH vì không đủ phòng ốc, đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên để dạy các học phần tiếng Anh trong chương trình chính thức nên thường tổ chức dạy ở các trung tâm ngoại ngữ ngoài giờ thuộc trường.

“Đây là điều đa số sinh viên không mong muốn do thời gian học lấn qua ban đêm và chủ nhật, cũng như gây tâm lý xem việc học tiếng Anh là một áp lực cộng thêm. Do đó, học phần tiếng Anh chính khóa nên được tổ chức như các môn học khác trong chương trình đào tạo. Trung tâm ngoại ngữ chỉ nên dành riêng cho sinh viên có nhu cầu học thêm để bổ sung đầu vào tiếng Anh, hoặc theo học các khóa tiếng Anh nâng cao định hướng nghề nghiệp hay chứng chỉ tiếng Anh quốc tế”, tiến sĩ Dung nói.

Chuyên gia cũng cho rằng hiện nay nhiều học sinh đã có các chứng chỉ quốc tế ở bậc THPT, thậm chí đạt ngưỡng điểm quy định chuẩn đầu ra của nhiều trường ĐH. Phụ huynh và sinh viên các trường hợp này mong muốn nhà trường miễn học phí và sinh viên không phải học các học phần tiếng Anh bắt buộc trong chương trình đào tạo.

Nhiều học sinh THPT đã có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đáp ứng chuẩn đầu ra ĐH nhưng không được trường xem xét miễn học hoặc miễn học phí các học phần tiếng Anh

Đ.N.T

“Nhưng một số trường ĐH không miễn học hoặc học phí các học phần này, gây thiệt thòi cho sinh viên”, tiến sĩ Dung trăn trở. Đồng thời, bà Dung lưu ý, khi quy định chuẩn đầu ra tiếng Anh, nhà trường cần đặt quyền lợi của sinh viên lên hàng đầu, chấp nhận các chứng chỉ phổ biến và xem xét loại nào phù hợp nhất, dễ tiếp cận nhất, tạo lợi thế tốt nhất cho sinh viên khi đi làm hoặc học tập ở bậc cao hơn.

“Trong thực tế, nếu nhà trường áp dụng chuẩn đầu ra là chứng chỉ TOEIC cho sinh viên toàn trường, những em có định hướng du học sẽ gặp bất lợi do chứng chỉ này không phù hợp để nộp hồ sơ du học ở các trường ĐH, CĐ”, tiến sĩ Dung nhìn nhận.

Khó dạy nói ở trường phổ thông

Hiện theo học thạc sĩ ngành Giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Khoa học và công nghệ quốc lập Cao Hùng (Đài Loan), anh Võ Duy Tân nhận định cách dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông của nhiều nơi như Đài Loan, Nhật Bản cũng tương tự Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có nơi khác biệt, đơn cử như ở Indonesia, giáo viên có quyền thiết kế bài học theo ý mình và nhiều thầy cô tập trung vào kỹ năng giao tiếp cho học sinh.

“Trường phổ thông tại Việt Nam quá chú trọng ngữ pháp và đánh đố nhiều chủ điểm ngữ pháp phức tạp, không cân nhắc cách sử dụng thực tế. Các thầy cô cũng còn gieo tư tưởng cho học sinh rằng giỏi tiếng Anh là phải giỏi ngữ pháp và xem điểm số là yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh, dẫn đến nhiều em học vẹt, nhồi nhét”, nam giáo viên có kinh nghiệm dạy chứng chỉ quốc tế bộc bạch.

Mời giáo viên bản xứ về dạy học là một trong những phương pháp cải thiện trình độ giao tiếp được áp dụng tại nhiều trường

Đ.N.T

Chia sẻ lý do kỹ năng nói tiếng Anh chưa được giảng dạy hiệu quả và chỉ xuất hiện dưới dạng trắc nghiệm trong bài thi ở trường phổ thông, tổ phó tổ ngoại ngữ một trường THPT ở TP.HCM chỉ ra nguyên nhân rằng các lớp, đặc biệt là ở trường công lập, thường đông học sinh (từ 40-50 em), với thời lượng tiết học hạn chế. “Thế nên rất khó để dạy và chỉnh sửa phát âm, tư duy nói năng cho từng bạn”, thầy trăn trở.

Tuy nhiên, không thể vì thế mà bỏ qua kỹ năng này. Nam giáo viên cho hay theo định hướng của chương trình phổ thông mới, thời lượng học ngữ pháp trên lớp đã được giảm bớt để tập trung ôn từ vựng có thể ứng dụng trong giao tiếp, cũng như tăng cường 2 kỹ năng nghe, nói bằng nhiều phương thức. Chẳng hạn, không đưa những câu hỏi về phát âm, đánh trọng âm vào bài thi như trước mà tạo điều kiện cho học sinh thuyết trình chủ đề bằng tiếng Anh để đánh giá trong cột điểm khác.

“Trường cũng tổ chức mời giáo viên bản xứ cùng tham gia giảng dạy từ nhiều năm nay. Ở những tiết này, học sinh sẽ được liên tục tham gia các hoạt động bằng tiếng Anh và thầy cô nước ngoài sẽ sửa trực tiếp cách phát âm, nhấn nhá, giọng điệu và tư duy nói theo kiểu tiếng Anh”, thầy khẳng định.

Lưu ý gì trong tổ chức dạy học ngoại ngữ?

Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, gần đây có một số sáng kiến và nỗ lực của các tổ chức tư nhân lẫn cá nhân “đáng khích lệ” như tổ chức các câu lạc bộ, buổi giao lưu, dã ngoại, cà phê giao tiếp bằng tiếng Anh. Ở đó, học viên Việt Nam có thể giao lưu, kết bạn, trao đổi, học hỏi với người bản xứ hoặc những người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

“Điều này trước đây phải thực hiện trực tiếp nên khá khó khăn, nhưng ngày nay đã có thể diễn ra dễ dàng dưới hình thức trực tuyến. Đây chính là sự bổ sung rất cần thiết cho việc học ngoại ngữ ở Việt Nam để tăng sự thích thú, động cơ, sự tự tin, và cuối cùng là hiệu quả dạy và học tiếng Anh mà chúng ta đã than phiền quá lâu nhưng vẫn chưa thể giải quyết một cách có hệ thống”, bà Phương Anh phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.