>> Gặp gỡ “gà đẻ trứng vàng” của Google
Biến 1 tỉ USD thành 3 tỉ USD
Mặc dù nhận được lời mời về làm việc từ Google và nhiều công ty khác, nhưng Neal Mohan vẫn đồng ý quay lại làm việc tại DoubleClick với chức danh là người đứng đầu mảng phát triển sản phẩm và nắm mảng hoạch định chiến lược.
Tuy nhiên, Mohan cũng có đưa ra một điều kiện cho David Rosenblatt, CEO mới của DoubleClick lúc bấy giờ - đó là anh phải được làm việc ở California, Mỹ.
Trước đó, để quay lại học Stanford ở California, Mohan đã thuyết phục vợ mình, vốn là người New York, với lời hứa rằng một khi đã định cư ổn định tại California, họ sẽ không đi đâu nữa.
Rosenblatt đã đồng ý với điều kiện này, mặc dù nó đồng nghĩa với việc yêu cầu một người chưa bao giờ quản lý một nhóm phát triển sản phẩm nào điều hành một đội ngũ lớn từ một nơi cách công ty gần 5.000 km.
|
Cùng với Mohan, Rosenblatt đã dành sáu tháng để hoạch định một chiến lược, dài khoảng 400 đến 500 trang PowerPoint, cho một DoubleClick mới mẻ.
Một số người từng được tận mắt thấy tài liệu này cho biết, đến tận ngày nay, họ vẫn có thể thấy “vết tích” của chiến lược do bộ đôi Mohan và Rosenblatt soạn ra trong các kế hoạch phát triển sản phẩm quảng cáo hiện tại của Google.
Những “nhân chứng” cũng nói với Business Insider rằng chiến lược nói trên là một bằng chứng khác cho thấy Mohan có khả năng đặc biệt để hiểu được các công nghệ mới và nắm bắt được việc vận dụng các công nghệ này để phục vụ cho chiến lược kinh doanh.
Nửa đầu của chiến lược nói trên miêu tả chi tiết viễn cảnh quảng cáo internet tạo ra những lợi thế cho các hãng quảng cáo, các nhà phát hành, người tiêu dùng, và những loại sản phẩm nào của DoubleClick nên phát triển để tận dụng viễn cảnh đó.
Viễn cảnh mà Mohan vạch ra như sau: Khi kỹ thuật số trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới, một công ty đó sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất và các công ty bán sản phẩm các giải pháp “toàn diện” và “tổng thể”, cho phép họ tính toán được họ nên mua bán quảng cáo ở giá nào.
Ngoài ra, công ty nói trên cũng sẽ giúp các nhà sản xuất và các công ty bán sản phẩm phân phối các quảng cáo “tương tác” và “đa phương tiện”.
Và chiến lược nói trên khẳng định rằng “công ty nào đó” phải là DoubleClick.
Nửa sau của chiến lược do Mohan và Rosenblatt vạch ra chỉ rõ từng bước rằng DoubleClick cần phải thuê bao nhiêu kỹ sư mỗi tháng cho từng loại sản phẩm để hiện thực hóa viễn cảnh trên, qua đó đạt được những mục tiêu lợi nhuận đầy tham vọng và táo bạo mà bộ đôi này hướng tới.
Mohan và Rosenblatt đã trình bày chiến lược này bằng PowerPoint cho ban lãnh đạo của DoubleClick vào tháng 12.2005. Tất nhiên là nó được thông qua ngay lập tức.
Kết quả là một DoubleClick hoàn toàn mới ra đời và công ty này đã phát triển theo ba loại hình kinh doanh chính: cung cấp giải pháp về công nghệ quảng cáo cốt lõi, thiết lập hệ thống quảng cáo và giao dịch quảng cáo.
Một năm rưỡi sau đó, Google đã mua lại DoubleClick, một công ty trị giá 1,1 USD, với giá 3,1 tỉ USD.
Làm sao để tồn tại ở Google?
Sau khi Google mua lại DoubleClick vào năm 2007, hai đối thủ chính của tập đoàn này là Microsoft và Yahoo đã hối hả lao vào thị trường mua bán công ty để tìm ra một thương vụ “béo bở” tương tự.
Yahoo đã mua công ty quảng cáo trực tuyến Right Media với giá 680 triệu USD. Microsoft thì mua lại hãng quảng cáo aQuantive với giá 6,3 tỉ USD.
Năm năm sau khi mua lại aQuantive, Microsoft tuyên bố đã sai lầm trong thương vụ nói trên.
Còn về phía Yahoo, toàn bộ đội ngũ quản lý cấp cao của Right Media đã rời bỏ công ty sau hai năm kể từ khi Yahoo mua lại. Đương kim CEO của Yahoo là Marissa Mayer hiện đang phân vân không biết có nên bán từng phần tài sản của Right Media hay không.
Trong khi đó, tại Google, Mohan vẫn giữ vai trò phát triển sản phẩm và hoạch định chiến lược cho DoubleClick, còn Rosenblatt thì rời bỏ tập đoàn.
Vậy điều gì đã giúp Google và Mohan không lâm vào hoàn cảnh như Microsoft và Yahoo?
Đó chính là nhờ Susan Wojcicki.
|
Wojcicki là người đã thiết lập hoạt động kinh doanh quảng cáo cho Google, bao gồm quảng cáo trên trang tìm kiếm, vốn vẫn đang chiếm đến hơn 95% doanh số hằng năm trị giá 50 tỉ USD của tập đoàn này.
Bà được phép báo cáo trực tiếp lên CEO Larry Page, đồng sáng lập Google, người tin tưởng bà tuyệt đối, đến nỗi trong Google mọi người đều truyền miệng nhau rằng: “Susan muốn gì được nấy”.
Wojcicki cũng chính là người đề xuất mua lại DoubleClick vào năm 2007.
Vào năm 2008, Wojcicki muốn thay thế đội ngũ đang chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm thuộc mảng quảng cáo hiển thị của Google bằng nhóm quản lý của DoubleClick do Mohan điều hành.
Mong muốn này gây tranh cãi vì nó khiến quản lý mảng sản phẩm quảng cáo hiển thị, Gokul Rajaram, người rất được lòng nhân viên, mất việc. Ông Rajaram hiện nay đang điều hành mảng kinh doanh quảng cáo hiển thị trị giá hàng tỉ USD của Facebook.
Nếu Mohan không “tỏa sáng”, thì thành tựu mà Rajaram giành được sau khi bị sa thải khỏi Google sẽ khiến Wojcicki xấu mặt.
Nhưng Mohan đã không làm cho bà Wojcicki thất vọng.
Vào tháng 1.2012, Google thông báo tổng thu nhập của mảng quảng cáo hiển thị của Googel đạt 5 tỉ USD trong năm 2011.
|
Nhiều người cho rằng Mohan làm việc hiệu quả tại Google là do anh có khả năng thảo luận với các kỹ sư về quảng cáo và truyền thông một cách dễ hiểu.
“Tại một công ty như Google, vốn hùng mạnh dựa trên các diễn thuyết cao siêu, Mohan có thể miêu tả toàn bộ chiến lược dẫn đến sự sáp nhập một cách hết sức rành mạch cho bất kỳ quan chức cấp cao ở phòng ban nào. Người bình thường thì chỉ có thể hoặc giảng giải cho nhiều người, hoặc giảng giải một vấn đề hóc búa cho số ít người. Nhưng anh ấy làm được cả hai. Tôi thật sự rất ấn tượng”, một đồng nghiệp giấu tên của Mohan cho hay.
Một lý do khác cho sự thành công của Mohan ở Google đó chính là việc Wojcicki và ban lãnh đạo đã chi cho anh rất nhiều tiền để tiến hành các vụ mua lại công ty và anh đã làm rất tốt.
Mohan đã dùng tiền của Google để mua các công ty chuyên phát triển các sản phẩm phù hợp với viễn cảnh dành cho DoubleClick mà anh và Rosenblatt đã vạch ra ngay từ đầu - đó là trở thành công ty cung cấp giải pháp tổng thể cho các hãng quảng cáo trực tuyến.
Một ví dụ rõ nhất về khả năng đánh giá công ty của Mohan là thương vụ mua lại hãng quảng cáo Invite Media với giá khoảng 85 triệu USD vào năm 2010.
Invite Media là một trong những công ty đầu tiên tạo ra sản phẩm có khả năng cung cấp khả năng đặt mua quảng cáo theo thời gian thực, vốn hoàn toàn thích hợp cho kế hoạch phát triển của DoubleClick và Google.
Vì vậy Mohan đã đến nói với Nat Turner, CEO của Invite Media, rằng Google muốn mua lại Invite Media.
“Anh ấy dự đoán rất chính xác. Anh ấy đưa ra đề nghị sáp nhập trước khi chúng tôi trở nên lớn mạnh và trước khi các công ty khác kịp tiếp cận với chúng tôi”, Turner thuật lại.
Tại sao Mohan không làm CEO ở nơi khác?
Twitter không phải là công ty duy nhất cố gắng lôi kéo Neal Mohan từ Google. Một cựu lãnh đạo cấp cao tại Facebook cho biết ông cũng đã từng cố dụ Mohan về làm cho Facebook.
Một nguồn tin thân cận với Mohan tiết lộ rằng anh nhận lời “ve vãn” từ các công ty khác suốt ngày.
Vậy tại sao Mohan vẫn quyết định ở lại làm công cho Google? Tại sao không về làm CEO cho một công ty nào đó, hay tự lập công ty riêng?
Một người bạn của Mohan nói rằng anh đã cảm thấy mình như một CEO rồi và là dạng CEO không cần phải làm tất cả mọi việc mà một CEO phải làm.
“Cậu ấy được bố trí làm việc trong một vị trí hết sức thuận lợi. Chỉ có một người điều hành mảng quảng cáo hiển thị, đó chính là Neal. Susan để cho cậu ấy tự quyết. Giả sử cậu ấy có một sếp trên mình hoặc phải chịu những kiểu quản lý hành chính rờm rà, chắc hẳn cậu ấy sẽ bỏ đi thôi”, Turner của Invite Media cho hay.
Một nguồn tin khác, được cho là đồng nghiệp cũ của Mohan, đưa ra một lý do khác để lý giải vì sao anh không rời bỏ Google: “Tôi không nghĩ cậu ấy có thể bỏ qua số tiền lớn đến vậy”.
Hoàng Uy
>> Chi 1.500 USD để... thử kính Google Glass
>> Google Translate dành cho Android không cần internet
>> Google ra mắt tính năng "ngửi mùi trên máy tính
>> Google tìm cách tránh án phạt hàng tỉ USD
>> Google Glass truyền âm thanh qua xương
>> EU lên kế hoạch "trừng phạt" Google
>> Hơn 1.000 CEO dự Hội nghị Phát triển bền vững Asean
Bình luận (0)