Tại sao có người trẻ 'ngán' tết ?

31/12/2022 11:25 GMT+7

Không khí mỗi dịp tết đến xuân về luôn mang đến sự háo hức, vui vẻ của những buổi đoàn viên và hoạt động chào đón năm mới. Nhưng lại có nhiều người trẻ lại cảm thấy chán nản, e ngại vì “tự nhiên cái tết”.

Nhiều người trẻ hiện nay đang có dấu hiệu "ngán" tết

LÊ THANH

Tết chỉ về nhà để chữa lành

Đã bắt đầu có suy nghĩ và cảm giác không mong đợi nhiều về ngày tết tầm 1-2 năm đổ lại, Lê Thùy Trâm, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nghĩ rằng có thể do ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài đến các hoạt động đón tết trước đây đã ảnh hưởng đến cảm xúc của mình, bên cạnh là nhiều áp lực khi bước sang năm mới.

“Mình cảm thấy những hoạt động ngày tết khá chán và không có đủ sức hấp dẫn với mình như trước đây nữa. Ngoài ra, mình còn có nỗi lo về những áp lực đồng trang lứa khi chưa xác định rõ những định hướng về học tập, công việc vẫn còn đang trong "mớ bòng bong", bản thân chưa đủ "lớn" thì tết lại đến sớm”, Thùy Trâm bày tỏ. Đối với Trâm, tết sẽ chỉ là dịp để cô trở về bên gia đình nhằm được chữa lành.

Còn Trần Thị Hải Yến, sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết cảm thấy tết đang dần mất đi các giá trị tinh thần như trước. Ngày tết nhưng người ta dành thời gian bên điện thoại di động nhiều hơn và ít còn cảm nhận được cảnh mọi người bên nhau chuyện trò hay làm bánh tết nữa.

Là một người đã có công việc nên việc sắp bước qua năm mới của Nguyễn Ánh Duyên (22 tuổi), hiện đang làm tiếp thị nội dung tại số 213/9, đường Nguyễn Gia Trí, P.25, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cũng có nhiều nỗi lo hơn.

Ánh Duyên ngán tết vì sợ sẽ chưa đủ thành công để lo cho người thân

NVCC

“Cứ đến tết, nỗi lo đầu tiên là tài chính, vì mục tiêu của mình mỗi năm có thể phụ giúp cho gia đình. Kế đến mình cũng chỉ vừa mới bắt đầu công việc nên rất lo khi nghĩ tới sự phát triển của bản thân trong năm tiếp theo phải như thế nào để tốt hơn”, Ánh Duyên tâm sự.

Và còn một nỗi lo khiến Duyên không mong tết đến, vì cô biết mẹ của mình lại bắt đầu lớn thêm một tuổi, nên Duyên luôn trăn trở về sự phát triển, thành công của mình có đuổi kịp thời gian còn lại để lo cho mẹ cuộc sống tốt hay không.

Tìm hiểu ý nghĩa của văn hóa ngày tết cổ truyền

Chia sẻ về những lý do khiến người trẻ đang dần ngán tết, thạc sĩ tâm lý Trần Huỳnh Hoài Đức, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bày tỏ sự đồng cảm với những vấn đề mà người trẻ gặp phải trước thềm năm mới.

Thạc sĩ Trần Huỳnh Hoài Đức cho rằng người trẻ nên sắp xếp công việc hợp lý và hiểu rõ ý nghĩa ngày tết để tránh việc chỉ "ăn tết cho có"

NVCC

"Các bạn trẻ bây giờ gắn bó với công việc, nên thường sẽ có xu hướng tự nhận thêm việc hoặc được cơ quan, công ty giao thêm việc trong các ngày nghỉ tết. Và điều này vô tình biến tết trở thành ngày để 'chạy deadline' khiến cho việc nghỉ ngơi, tận hưởng năm mới không được trọn vẹn", thạc sĩ Đức chia sẻ.

Thạc sĩ Đức còn chia sẻ thêm rằng ngày tết cổ truyền ở Việt Nam luôn có những phong tục, tập quán và văn hóa rất ý nghĩa, nhưng vì ở nhịp sống hiện đại đang nhanh và hối hả hơn, khiến cho những phong tục, văn hóa dần bị đơn giản hóa hay thậm chí mất đi. Từ đó, bầu không khí ngày tết giảm đi làm ảnh hưởng đến tâm thế của người trẻ.

"Nếu chán ngày tết thì người trẻ sẽ dần dẫn đến việc sẽ không còn hứng thú với ngày tết nữa, hệ lụy là các bạn sẽ cảm nhận tết cũng giống như ngày nghỉ thông thường và mối quan tâm lúc đó chỉ là quan tâm mình sẽ nghỉ ngơi như thế nào hay có bị ảnh hưởng bởi công việc hay không rồi 'ăn tết cho có'", ông Đức cho hay.

Người trẻ đừng để những áp lực về công việc làm ảnh hưởng đến việc tận hưởng ngày tết không được trọn vẹn

NGUYỄN CÔNG TƯỜNG

Để người trẻ không bị "ngán" tết hay "ăn tết cho có", thạc sĩ Trần Huỳnh Hoài Đức chia sẻ rằng trước kỳ nghỉ tết thì người trẻ nên sắp xếp công việc cho ổn thỏa và tránh nhận thêm quá nhiều việc về nhà để có thời gian cho tâm trí thật sự thoải mái và tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ tết gắn bó bên gia đình.

"Chúng ta sẽ không có động lực làm hay tận hưởng điều gì nếu không hiểu về nó và ngày tết cũng vậy, nếu người trẻ không nắm bắt, không biết được ý nghĩa nhân văn ngày tết thì cũng không tận hưởng được. Nên vào dịp tết, các bạn có thể đi đến các lễ hội ở địa phương hoặc đi chùa để xem văn hóa nên đang diễn ra như thế nào để không bị 'ngán' tết thay vì cứ ở nhà một chỗ mà không biết năm mới có gì thú vị", thạc sĩ Đức bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.