Theo tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Trung Dũng (Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai), có 5 nguyên nhân chính khiến tình trạng đau xương khớp gia tăng khi thời tiết lạnh. Trong đó, có nguyên nhân do sự co lại của mạch máu.
"Khi nhiệt độ môi trường giảm, mạch máu co lại để bảo vệ cơ thể khỏi mất nhiệt. Điều này có thể giảm lưu lượng máu đến các khớp, khiến cho các mô ở khớp bị thiếu ô xy và dinh dưỡng, gây đau và khó chịu", bác sĩ Dũng cho biết.
Đồng thời, mùa lạnh có sự thay đổi độ ẩm và áp suất khí quyển. Áp suất khí quyển thấp có thể làm tăng áp lực trong các khớp, nhất là đối với những người có tình trạng viêm khớp hoặc thoái hóa khớp, gây ra cảm giác đau nhức. Ngoài ra, cơ thể có sự co cứng khớp và cơ. Thời tiết lạnh làm cho cơ và dây chằng trở nên cứng hơn, khiến khớp khó di chuyển, gây ra cảm giác đau và hạn chế khả năng vận động.
Bác sĩ Dũng cũng chia sẻ, thói quen sinh hoạt thay đổi, như giảm hoạt động thể chất cũng là yếu tố tăng đau xương khớp. Mùa lạnh khiến nhiều người ít vận động hơn, dẫn đến sự suy giảm linh hoạt của cơ bắp và khớp, làm tăng nguy cơ đau nhức và viêm khớp. Với những người mắc bệnh viêm khớp mạn tính như viêm khớp dạng thấp, mùa lạnh có thể làm tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến đau và sưng khớp.
Để phòng tránh đau xương khớp trong mùa lạnh, chuyên gia về bệnh xương khớp hướng dẫn: cần giữ ấm, vận động, thể dục nhẹ nhàng, chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, giữ cân nặng hợp lý.
"Cần kiểm soát cân nặng để tránh gây áp lực cho các khớp gối, khiến đau xương khớp nặng hơn. Uống đủ nước hỗ trợ giảm đau xương khớp vì nước trong cơ thể giúp duy trì độ ẩm cho khớp", bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Bác sĩ cũng lưu ý, cần tránh tiếp xúc với môi trường quá lạnh. Hạn chế ra ngoài khi trời quá lạnh, đặc biệt là vào buổi sáng sớm và tối muộn, khi cơ thể còn chưa kịp làm quen với nhiệt độ. Nên đợi cơ thể ấm lên trước khi ra ngoài.
Bình luận (0)