Tại sao đau tim hay xảy ra vào ban đêm?

Thiên Lan
Thiên Lan
31/07/2024 00:06 GMT+7

Ông Rajiv Bhagwat, bác sĩ tim mạch can thiệp, Bệnh viện chuyên khoa Nanavati Max Super, Mumbai (Ấn Độ), giải thích các yếu tố nguy cơ gây ra những cơn đau tim vào ban đêm.

Sự thật là cơ thể có thể không được nghỉ ngơi khi ngủ, đặc biệt là đối với người mắc các bệnh đi kèm như tiểu đường, béo phì, cholesterol cao và huyết áp cao hoặc một tình trạng tiềm ẩn như ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, thành phần hóa học của máu thay đổi trong khi ngủ có thể gây bất lợi cho sức khỏe tim mạch, theo tờ Indian Express.

Đau tim vào ban đêm thường xảy ra từ 0 giờ đến 4 giờ sáng. Đây là thời điểm nồng độ của PA1 - một loại protein máu, cao nhất. Protein này làm đặc máu. Sau đó, tiểu cầu trong máu trở nên dính, dẫn đến hình thành cục máu đông, có thể ra gây cơn đau tim.

Tại sao đau tim hay xảy ra vào ban đêm? - Ảnh 1.

Đau tim vào ban đêm thường xảy ra từ 0 giờ đến 4 giờ sáng

PEXELS

Chứng ngưng thở khi ngủ

Trong trường hợp bị ngưng thở khi ngủ, tất cả các cơ đều được thư giãn, bao gồm cả các cơ ở vùng cổ, trong khi ngủ. Vì vậy, đường thở bị xẹp xuống, các đường dẫn khí co lại và không khí hít vào mất thời gian để đến phổi thay vì di chuyển tự do. Điều này sẽ gây ngáy hoặc thậm chí ngừng thở tạm thời khi ngủ, dẫn đến thiếu oxy. Đôi khi ngừng thở trong 10 giây hoặc lâu hơn trong khi ngủ, từ đó gây căng thẳng cho tim.

Huyết áp, thường giảm vào ban đêm, lại có thể tăng lên và kích hoạt tiết hoóc môn gây căng thẳng như cortisol và adrenaline. Điều này làm tăng áp lực lên tim vì phải làm việc nhiều hơn để điều chỉnh huyết áp. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngưng thở khi ngủ làm tăng tình trạng viêm, thay đổi thành mạch máu và gây ra nhịp tim bất thường, tất cả đều có thể dẫn đến đau tim và đột tử do tim.

Mắc hội chứng gây ngừng tim

Tại sao đau tim hay xảy ra vào ban đêm? - Ảnh 2.

Ngưng thở khi ngủ làm tăng tình trạng viêm, thay đổi thành mạch máu và gây ra nhịp tim bất thường, tất cả đều có thể dẫn đến đau tim

PEXELS

Một số bệnh nhân có thể mắc hội chứng suy nút xoang là một dạng rối loạn nhịp tim đặc biệt, gây ảnh hưởng đến nút xoang, là bộ phận tạo nhịp tim tự nhiên của cơ thể. Nó có thể gây chậm nhịp tim hoặc tạo ra những khoảng thời gian ngưng tim kéo dài. Tình trạng này thường do bất thường về gien làm thay đổi một loại protein, từ đó ảnh hưởng đến điện tim.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một chất hóa học có trong hệ thần kinh có thể làm chậm nhịp tim ở những người khỏe mạnh. Nhưng ở những bệnh nhân mắc hội chứng suy nút xoang, nó có thể ngăn chặn hoàn toàn điện tim, gây ra tình trạng ngừng tim đột ngột, theo Indian Express.

Mất ngủ

Một nguyên nhân khác là chứng mất ngủ, gây tăng huyết áp, từ đó gây áp lực lên tim. Một nghiên cứu trên tạp chí Clinical Cardiology cho thấy những người bị mất ngủ có nguy cơ bị đau tim cao hơn 1,69 lần.

Cách để ngăn ngừa cơn đau tim trong khi ngủ

Bác sĩ Bhagwat cho biết: Cách đơn giản nhất là kiểm tra thường xuyên các yếu tố nguy cơ. Nếu có, hãy điều trị bằng thuốc cũng như can thiệp lối sống (tức là ăn uống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục thường xuyên, hạn chế rượu bia và bỏ thuốc lá). Luôn ngủ đủ giấc và uống đủ nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.