Tại sao Google Maps hiển thị hình tròn ở điểm định vị?

31/03/2024 17:01 GMT+7

Smartphone và hệ thống định vị ô tô sử dụng GPS để xác định vị trí hiện tại với độ chính xác cao, tuy nhiên nếu tham khảo vị trí hiện tại trên Google Maps, nó thường được hiển thị dưới dạng hình tròn thay vì dấu chấm.

Điều này được cho là bắt nguồn từ thông tin vị trí Google Maps thực tế vẫn không được hiển thị một cách chính xác ngay cả khi GPS có độ chính xác cao. Để giải thích cho sự thiếu chính xác của Google Maps, trang tin khoa học Nautilus đã đưa ra lời giải thích.

Tại sao Google Maps hiển thị hình tròn ở điểm định vị?- Ảnh 1.

Google Maps là dịch vụ bản đồ được sử dụng phổ biến trên thế giới

DEPOSIT PHOTOS

Ken Hudnut - cố vấn khoa học thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cho biết sự khác biệt trong Google Maps không chỉ là do độ chính xác của GPS mà còn do khoa học địa lý, vốn liên kết hệ tọa độ của bản đồ với hệ tọa độ địa lý. Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2008 kiểm tra hình ảnh Google Earth cho 31 thành phố ở các nước phát triển đã phát hiện ra các sai số trong phạm vi từ 1 đến 50 mét, có thể do sự lệch lạc trong tham chiếu địa lý theo thời gian mà không phải do độ chính xác của các đơn vị GPS.

Chuyên gia Drew Smith thuộc Cơ quan Khảo sát Trắc địa Quốc gia Mỹ (NGS) cho biết: "Chúng ta đang ở thời đại mà mọi người muốn có độ chính xác đến từng centimet trên smartphone của họ, nhưng độ chính xác của bản đồ và GPS lại không phù hợp khiến nhiều người sẽ phải thất vọng".

Bản đồ được thực hiện dựa trên các khảo sát. Mặc dù mặt đất nơi thực hiện khảo sát có vẻ đứng yên nhưng trên thực tế nó liên tục chuyển động ở mức độ vô hình. Theo lý thuyết kiến tạo mảng được đề xuất từ cuối những năm 1960, bề mặt Trái đất được bao phủ bởi lớp vỏ được gọi là "mảng kiến tạo", có kích thước dày đến 100 km, và những nền mảng kiến tạo này chuyển động liên tục.

NGS đã thiết lập một hệ tọa độ tham chiếu có tên "NAD83" để khảo sát lục địa Bắc Mỹ. NAD83 là một hệ tọa độ quan trọng đối với các nhà khảo sát ở Bắc Mỹ vì nó phù hợp với chuyển động của mảng kiến tạo Bắc Mỹ. Mặt khác, GPS sử dụng "WGS84", một hệ tọa độ tham chiếu cho toàn bộ Trái đất.

Được biết, giữa NAD83 và WGS84 có sai số vài mét, và độ lệch ngày càng tăng. NAD83 không phản ánh kiến thức về hình dạng và kích thước của Trái đất và tọa độ của tâm Trái đất cách WGS84 khoảng 2 mét. NGS đã cập nhật NAD83 vào năm 2022, nhưng nó vẫn còn độ lệch khoảng 1 mét.

Trong trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản xảy ra vào năm 2011, GPS đã ghi lại chuyển động của mảng kiến tạo theo thời gian thực, với đường bờ biển gần tâm chấn đã dịch chuyển theo chiều ngang tới 4 mét. Khi một trận động đất lớn như vậy xảy ra, bề mặt Trái đất có thể dịch chuyển đáng kể dọc theo đường đứt gãy, đôi khi vài mét. 

Phải mất thời gian để những thay đổi này được phản ánh trên bản đồ, do đó sự khác biệt giữa thông tin định vị GPS và bản đồ ngày càng rộng hơn. Vì vậy Google Maps chỉ có thể hiển thị vòng tròn để ít nhiều cho thấy độ chính xác có thể chênh lệch vài mét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.