Tại sao Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình nợ thuế chồng chất, bất lực chi trả?

04/07/2022 09:20 GMT+7

Đang xảy ra những sự cố lớn về tài chính liên quan đến Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.

Cục Thuế Hà Nội cho biết, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp) là đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính. Trong quá trình hoạt động đã triển khai các dự án liên doanh, liên kết có thời hạn với các đơn vị tại một số khu đất lưu không và ký các hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn tại các khu đất quy hoạch xây dựng.

Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình nợ thuế gần 850 tỉ, cựu lãnh đạo mới nộp 300 triệu

Khu liên hợp phải sử dụng đất theo luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi phát sinh các hoạt động kinh doanh và sử dụng đất không đúng quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải báo cáo và tuân theo các trình tự, thủ tục pháp luật về đất đai.

Sân Mỹ Đình, công trình trọng điểm của thể thao Việt Nam, đang dính vào bê bối lớn

HOÀNG QUÂN

Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về đất đai chấp thuận, đơn vị có trách nhiệm thực hiện kê khai và nộp nghĩa vụ tài chính phát sinh theo quy định của luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật.

Theo thông báo được nêu trong quyết định được Cục thuế TP.Hà Nội ban hành ngày 20.6.2022, nêu rõ nội dung cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với khu liên hợp, để thi hành thông báo tiền nợ thuế ngày 13.12.2021 của Cục thuế TP.Hà Nội và thông báo tiền thuế nợ ngày 15.11.2021 của Chi cục thuế Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội). Lý do bị cưỡng chế: Khu liên hợp có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định của luật Quản lý thuế. Số tiền bị cưỡng chế: 848 tỉ 384 triệu đồng.

Sân Mỹ Đình năm 2002 khi được đưa vào sử dụng

ẢNH TƯ LIỆU

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao lại một đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng khối tài sản lớn của nhà nước với 2 hạng mục quan trọng gồm sân Mỹ Đình Cung thể thao dưới nước lại lâm vào tình cảnh nợ nần lớn đến mức, hiện tại hoàn toàn mất khả năng chi trả.

Trong giai đoạn đoạn 2009 - 2018, khu liên hợp đã ký 202 hợp đồng và 68 phụ lục hợp đồng cho thuê mặt bằng với khoảng 42 doanh nghiệp tại các khu đất đã giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án. Đây là những việc làm sai nguyên tắc về quản lý sử dụng đất vì chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Khu liên hợp còn cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, văn phòng dưới hình thức hợp đồng cho thuê mặt bằng có thời gian 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, nhưng bản chất là cho thuê mặt bằng dài hạn. Mặt khác, các hợp đồng cho thuê đất đều quy định doanh nghiệp không được cho thuê lại nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều cho thuê lại với giá cao gấp 3 lần giá thuê của khu liên hợp. Năm 2018, khu liên hợp ký hợp đồng với 17 doanh nghiệp nhưng có tới 144 doanh nghiệp sử dụng mặt bằng đất.

Theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công, việc khu liên hợp sử dụng đất để cho thuê mặt bằng thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất.

Tuy nhiên, khu liên hợp chỉ thu tiền cho thuê mặt bằng các khu đất từ doanh nghiệp (số tiền thu được đã được chi hết cho hoạt động của khu liên hợp) mà không thu tiền thuê đất của các doanh nghiệp để nộp ngân sách nhà nước.

Quá trình khu liên hợp cho thuê mặt bằng các khu đất đã giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án có một số vi phạm, sai phạm có dấu hiệu bất thường. Tổng số tiền thuê đất mà khu liên hợp phải nộp ngân sách nhà nước nhưng chưa nộp (tạm tính) khoảng 658 tỉ đồng (đến nay đã lên đến con số gần 849 tỉ đồng - PV). Số tiền này khu liên hợp không có khả năng nộp, có dấu hiệu gây thất thu tiền ngân sách nhà nước. Thanh tra Chính phủ đã kết luận như trên về tình trạng sử dụng đất công tại khu liên hợp từ năm 2009 - 2018.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.