Tại sao ngoài đời và trên mạng xã hội là hai con người hoàn toàn khác nhau?

15/12/2022 13:53 GMT+7

Có nhiều người ở trên mạng và ngoài đời là 2 phiên bản hoàn toàn khác biệt . Trên mạng thì cởi mở, hài hước, mạnh dạn trong giao tiếp nhưng ngoài đời lại trầm tính, ít nói hoặc ngược lại.

Người trẻ ở trên mạng và ngoài đời là 2 phiên bản khác nhau

THẢO PHƯƠNG

Sự trái ngược đến khó hiểu

Đa phần mọi người có xu hướng cởi mở hơn ở trên mạng. Trên các nền tảng mạng xã hội luôn mua vui cho người khác qua những dòng trạng thái, những bình luận “chất như nước cất” khiến ai đọc cũng bật cười nhưng ở ngoài đời thì lại trầm tính ít nói hơn hẳn.

“Mọi người hay bảo sao mình đa nhân cách vì hầu như những trang dành cho gen Z ở trên Facebook mình đều theo dõi và là “fan cứng”, mình đi bình luận khắp nơi, có thể trả lời tin nhắn người lạ xuyên đêm, nhưng ở ngoài phải quen thân mới nói chuyện được”, Võ Văn Hiếu (21 tuổi), ngụ tại 29 Nguyễn Viết Xuân, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) kể.

Những dòng trạng thái "mặn mòi" do Hiếu chia sẻ trên Facebook

CHỤP MÀN HÌNH

Hiếu cũng cho biết, nhiều lần muốn thay đổi nhưng không được, việc ít nói bên ngoài gây cho Hiếu nhiều phiền toái khi khó hòa nhập với môi trường mới, thiết lập thêm những mối quan hệ, nhất là ở nơi làm việc, nhiều khi bị gắn mác “chảnh”.

Với nhiều người, mạng xã hội là thế giới ảo, nhưng lại là nơi họ có thể thoải mái thể hiện bản thân. “Ở thế giới mênh mông như Facebook, không ai biết quá rõ về mình nên thoải mái thể hiện tính cách, thoải mái nói đùa, cà khịa, bày tỏ suy nghĩ mà không sợ bị phán xét. Ở trên mạng mọi người cũng không quá khắt khe còn ở ngoài nói gì cũng phải suy nghĩ cân nhắc vì sợ lỡ lời lại làm mất lòng nhau nên kiệm lời bớt”, Đặng Anh Nhật, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay.

Ngoài đời và trên mạng xã hội là 2 con người hoàn toàn khác nhau?

THẢO PHƯƠNG

Tuy nhiên, vẫn có những người ở ngoài có thể vui vẻ, nói nhiều nhưng khi ở trên mạng thì sống “ẩn”. “Mình ở trên mạng không giống mình ngoài đời. Ở ngoài mình bắt chuyện được với tất cả mọi người, ngay cả với người lạ mình cũng cởi mở nhưng Facebook của mình chỉ có vỏn vẹn 80 người bạn, mình không thích trò chuyện, giao tiếp ở đây, nhiều khi trả lời tin nhắn còn không muốn chứ nói gì là tương tác”, Nguyễn Thanh Sơn, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên nói.

Vậy đâu mới là con người thật của họ? Phải chăng thế giới ảo là nơi để mọi người bộc lộ những điều mà họ không có cơ hội thể hiện ngoài đời thật?

Đừng xem mạng xã hội là nơi thoát ly khỏi cuộc sống đời thực

Để lý giải cho sự khác biệt của cùng một người khi ở trên mạng và ngoài đời, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên khoa Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Văn Lang cho biết: “Đa phần mọi người sẽ trở nên hoạt ngôn, giao tiếp mạnh dạn ở trên môi trường mạng vì mạng xã hội là không gian mà họ có thể tự do, thỏa thích làm điều mình muốn mà không bị dòm ngó, phán xét. Họ có thể chặn quyền xem, không kết bạn hoặc dùng nick ảo để tránh những người mà họ không thích. Vì thế, đôi khi người ta trở thành một con người hoàn toàn khác so với thế giới thật. Ở trên mạng, họ có thể dễ dàng tìm kiếm những người có chung sở thích, quan điểm, điều này góp phần tạo nên sự thú vị, dễ dàng giao tiếp”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu

THẢO PHƯƠNG

Thạc sĩ Đào Lưu cũng cho rằng, có thể trong thực tế, họ có khuyết điểm ngoại hình nên cảm thấy tự ti trong giao tiếp, còn ở trên mạng họ có thể dùng một hình ảnh đại diện lung linh hơn, điều này tăng thêm sự tự tin và thoải mái giao tiếp. Tuy nhiên, nếu liên tục sống ở thế giới ảo, người ta quên mất con người thật của mình là ai khi chỉ chăm chút cho những hình ảnh hư vô trên mạng.

Thạc sĩ Đào Lưu cũng chỉ ra: “Với những ai xem mạng xã hội là nơi để thoát ly khỏi những cuộc giao tiếp đời thực thì lâu dần họ sẽ mất đi khả năng giao tiếp, diễn đạt bằng ngôn ngữ nói. Kỹ năng giao tiếp ứng xử kém gây khó khăn trong đời sống, công việc và học tập. Ngoài ra họ sẽ mất dần những mối quan hệ đời thực nếu chỉ chăm chút cho những cuộc giao tiếp trên mạng ảo”.

Mặt khác, cũng theo thạc sĩ tâm lý Đào Lưu, nếu biết tận dụng thì mạng xã hội là một môi trường để tập luyện kỹ năng giao tiếp giúp tự tin hơn trong thực tế. Tóm lại, trên mạng là thế giới ảo, là nơi người ta có thể tìm kiếm một sự tự do “ảo” mà không sợ bị phán xét, ràng buộc hay đánh giá từ những mối quan hệ thật, nhưng đừng để bản thân thoát ly khỏi thế giới đời thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.